Bộ trưởng GTVT: 'Tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam là có căn cứ'

10/01/2022 17:35 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh Bộ GTVT đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng ki lô mét hầm, từng cái cống, kể cả địa chất, thủy văn nền đường, do đó tổng mức đầu tư dự án mà Chính phủ trình là "có cơ sở".

Cuối chiều 10.1, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về chủ trương dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

gia hân

Về tổng mức đầu tư dự án, ông Thể cho biết, Bộ GTVT đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng ki lô mét hầm, từng cái cống, kể cả địa chất, thủy văn nền đường. "Tính toán của tư vấn là có căn cứ, cơ sở", ông Thể nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thể cũng cho biết, để tiến tới đấu thầu, hoặc chỉ định thầu dự án, còn phải thuê tư vấn, lập dự án và các bước thiết kế kỹ thuật, dự toán..

"Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất", ông Thể thông tin.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng một lần cho toàn bộ dự án theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 9.2021.

Do đó, dự án sẽ không phải giải phóng mặt bằng nhiều lần, không sợ người dân lấn chiếm phần đất sử dụng để triển khai phần tiếp theo của dự án.

Việc tái định cư, theo ông Thể, cũng sẽ được tính toán làm sao phù hợp điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng chúng ta không thể xây dựng tái định cư rộng, nhiều dẫn đến lãng phí và tăng suất đầu tư.

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng, khoảng tháng 6.2022, sau khi phê duyệt dự án, chúng ta sẽ tập trung giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong hết toàn bộ", ông Thể nói.

Liên quan tới việc sử dụng đường của địa phương để làm đường công vụ phục vụ triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ đề xuất các đơn vị thi công ký quỹ để đảm bảo khi công trình kết thúc mà phải sửa chữa thì chúng ta sử dụng quỹ này để khắc phục.

Về công khai minh bạch, ông Thể nhấn mạnh, rút kinh nghiệm bài học của giai đoạn 1 (2016 - 2020), ngay từ đầu, cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ vào cuộc.

"Giai đoạn 1 vừa qua, C01 (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra), C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) cũng tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu, nên rất công khai minh bạch. Sắp tới thêm kiểm toán thì rất tốt", ông Thể nhấn mạnh.

Về tiến độ giải ngân, ông Thể cho biết, Chính phủ sẽ ban hành quy chế quy định trách nhiệm địa phương, của Bộ GTVT và các bộ, ngành trong từng hạng mục công việc.

"Chính phủ chỉ đạo dành 3 năm để thi công để cuối năm 2025 xong, nghĩa là cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu", ông Thể nói.

Liên quan thu phí, theo ông Thể, hiện Bộ GTVT đề xuất tổ chức phương án thu phí, bán quyền thu phí theo 2, 5, 10, 15 năm tùy theo điều kiện. "Cái này Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Thể cho hay.

Trước đó, Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 12 dự án với 729 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng.

Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỉ đồng/km, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán nhà nước cho rằng, tổng mức đầu tư sơ bộ này chưa làm rõ một số yếu tố và cao hơn đáng kể con số cơ quan này tính toán.

Theo Kiểm toán nhà nước, tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần khoảng 130.604 tỉ đồng, giảm 16.330 tỉ đồng so với dự kiến của Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.