Bộ trưởng KH-ĐT: Còn tình trạng ban phát, xin cho dự án công do lợi ích nhóm

27/07/2021 17:46 GMT+7

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nhiều dự án đầu tư công còn lãng phí , không hiệu quả, còn ban phát và xin - cho do lợi ích nhóm, chiều theo yêu cầu nhà đầu tư.

Thảo luận tại nghị trường chiều 27.7 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, các đại biểu đánh giá việc phân bổ ngân sách còn có tình trạng ban phát, xin cho trong triển khai dự án đầu tư công. Hậu quả là nhiều dự án bị chậm tiến độ, đội vốn, lãng phí, không hiệu quả.
Giải trình về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu 5 nguyên nhân.
Thứ nhất, liên quan đến thể chế, một số quy định giữa luật Đầu tư công và các luật khác còn chồng chéo, chậm sửa đổi, trình tự thủ tục còn phức tạp. Việc phân cấp, phân quyền trong triển khai dự án chưa gắn với trách nhiệm giải trình. Dù luật quy định rõ phân cấp nhưng địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy hỏi lại T.Ư, mất quá nhiều thời gian.
“Các địa phương cần rút kinh nghiệm. Hiện tại, theo luật Đầu tư công thì không còn có gì trên T.Ư, từ khâu lập, thẩm định, bố trí dự án nào, bao nhiều tiền rồi phê duyệt, triển khai… Cứ dàn trải, lãng phí là ở ngay địa phương, từ lựa chọn dự án không đúng, bố trí vốn và giao vốn chậm”, ông Dũng nói.
Nguyên nhân thứ 2, theo Bộ trưởng KH-ĐT, còn tình trạng ban phát, xin - cho trong dự án công do tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, theo yêu cầu của nhà đầu tư.
“Các tỉnh chạy đua đầu tư phong trào sân bay, cảng biển, khu công nghiệp giống như trước kia ồ ạt làm xi măng lò đứng, nhà máy giấy, mía đường. Chúng ta cứ đề xuất đến khi vốn không bố trí được rồi dàn trải, thất thoát. Nhiều dự án quy mô quá lớn so với nhu cầu, không kiểm soát được đơn giá, định mức dẫn tới đội vốn”, ông Dũng cảnh báo.
Vẫn theo Bộ trưởng KH-ĐT, lý do thứ 3, hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, thu ngân sách của T.Ư không đạt; thiếu các giải pháp khả thi để bảo đảm nguồn vốn cho kế hoạch trung hạn. Tổng ngân sách tăng nhưng ngân sách T.Ư giảm, ảnh hưởng ngay đến thực hiện dự án do thiếu nguồn, trong khi ngân sách địa phương tăng nhưng thiếu bền vững, chủ yếu từ đất.
Nguyên nhân thứ 4, theo ông Dũng, là khâu tổ chức thực hiện, khâu lập và phê duyệt còn ỷ lại, trông chờ vào T.Ư. Đặc biệt, khâu giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của tất cả các dự án.
“Người dân họ muốn giá cao, hội đồng đền bù thì căn cứ vào định giá của địa phương áp vào. Trong khi đó, dự án do tư nhân làm muốn được duyệt nhanh thì nâng giá đền bù làm phá vỡ mặt bằng chung”, ông Dũng nói, và cũng khẳng định nguyên nhân cuối cùng là khâu thanh tra, kiểm tra chưa phát huy hết hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.