Bộ trưởng KH-ĐT: Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì tâm lý ‘sợ sai’ của cán bộ

11/10/2023 16:01 GMT+7

Chiều 11.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Chính phủ đã gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Buổi gặp mặt với các doanh nhân tiêu biểu diễn ra tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
'Giới doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại' - Ảnh 1.

Thường trực Chính phủ tham dự buổi gặp mặt với giới doanh nhân Việt Nam

NHẬT BẮC

Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong 9 tháng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Tính riêng trong quý 3/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm chúng ta có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022.

Đáng chú ý, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Tính đến 30.6, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt gần 690.000 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market.

Dù vậy, khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp. Khảo sát doanh nghiệp ngành sản xuất vào tháng 6.2023 của Navigos cho thấy hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ 10 - 40% tổng doanh thu. Trong đó 44% doanh nghiệp ngành dệt may, da giày và 35% ngành sản xuất vật liệu xây dựng sụt giảm từ 20 - 40% doanh thu.

Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 13%, dệt may giảm 12%, giày dép giảm 18%, thủy sản giảm 22%. 

Trong ngành gỗ, nhu cầu giảm mạnh khoảng 3 tỉ USD, tương ứng 25% so với cùng kỳ. Không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động...

Đặc biệt, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Một số vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của doanh nghiệp như quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng báo cáo tổng số thuế VAT chưa được hoàn của toàn ngành lên đến 8.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng KH-ĐT: Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì tâm lý ‘sợ sai’ của cán bộ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục, pháp lý

NHẬT BẮC

Hơn 410.000 căn hộ vẫn đang vướng pháp lý

Trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 8 cả nước còn tồn đọng khoảng 1.000 dự án bất động sản (hơn 410.000 căn) đang mắc kẹt, chưa thể triển khai vì vướng mắc pháp lý.

Về giải pháp, Bộ trưởng KH-ĐT đề xuất nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước…

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, cách đây 37 năm trước, kinh tế đất nước nằm trong sự bủa vây của khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn. 

Nhưng sau đổi mới, tới nay khu vực kinh tế tư nhân chính thức đã có tới gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các HTX tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. 

Đặc biệt, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 - 3 triệu người. Nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. 

Theo lãnh đạo VCCI, đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. 

'Giới doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại' - Ảnh 2.

Đại diện các doanh nhân tham dự buổi gặp mặt

NHẬT BẮC

Ông Công cũng khẳng định, về tư tưởng, giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển; đồng thời, mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội.

"Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam. Các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại", ông Công nêu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.