Bộ trưởng KH-ĐT: 'Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế sẽ là đột phá của đột phá'

26/10/2024 16:08 GMT+7

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Tổng Bí thư Tô Lâm nói thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Do đó, nếu tháo gỡ điểm nghẽn thể chế chính là 'đột phá của đột phá'.

"Mỗi thủ tục chúng ta làm mấy năm trời thì mất hết cơ hội"

Sáng 26.10, nêu ý kiến thảo luận tại tổ trong kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, một trong 5 khó khăn, thách thức của kinh tế là đầu tư phục hồi chậm trong khi việc tháo gỡ khó khăn, ách tắc nhiều vướng mắc. Nhấn mạnh giải pháp, ông Dũng nói giải pháp đầu tiên là hoàn thiện thể chế. 

"Có thể coi đây là đột phá của đột phá. Tổng Bí thư nói thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhưng nếu tháo gỡ được thì đây chính là đột phá của đột phá", ông Dũng nói.

Bộ trưởng KH-ĐT: 'Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế sẽ là đột phá của đột phá'- Ảnh 1.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại tổ ngày 26.10

ẢNH: GIA HÂN

Theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, công tác thể chế được quan tâm và đang làm rất quyết liệt. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu rất cao với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ông Dũng cho hay, tại kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội rất nhiều chính sách đột phá. Cụ thể như tại luật Đầu tư công, Chính phủ đề xuất tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B, C để làm công tác chuẩn bị trước; phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được đầu tư vào các dự án thuộc trách nhiệm của T.Ư hay đầu tư vào dự án của địa phương khác có tính chất liên vùng…

Luật Đầu tư cũng đột phá rất mạnh khi đề xuất thiết kế "luồng xanh" với dự án công nghệ cao để đơn giản hóa các thủ tục, thời gian cấp phép; tự lập, tự phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy và tự chịu trách nhiệm, không phải trình lên cấp trên như trước đây.

"Nếu chúng ta cải cách được như thế thì rất mạnh. Chứ mỗi thủ tục chúng ta làm mấy năm trời thì mất hết cơ hội", ông Dũng nêu.

Dẫn thêm ví dụ tại luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ông Dũng cho biết, lần sửa đổi lần này sẽ khôi phục lại loại hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT, xây dựng chuyển giao trước đây đã dừng lại. Bộ Chính trị đã cho phép khôi phục lại hình thức hợp đồng BT này.

Nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế lần này có tính đột phá, khắc phục những điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật thời gian qua, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tinh thần là phải đổi mới tư duy mạnh mẽ. Trước đây tập trung vào quản lý, hiện nay phải vừa quản lý được, vừa phải kiến tạo, phát triển được, từ đó giải phóng sức sản xuất, khơi thông được nguồn lực.

Thứ hai là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công rõ trách nhiệm. Tinh thần tại Hội nghị T.Ư 10 vừa qua là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

"Chính phủ và Quốc hội thì làm gì? Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng lập pháp rồi các cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đấy là 'đúng vai thuộc bài' đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu", ông Dũng phân tích.

Tháo gỡ cho các dự án đất đai vướng mắc trong cả nước

Bộ trưởng KH-ĐT cũng cho biết, một vấn đề khó khăn khác là các dự án liên quan đất đai, tồn đọng ách tắc. Vấn đề này, Tổng Bí thư đã yêu cầu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo nhà nước để giải quyết.

Ban chỉ đạo do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm trưởng ban. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT làm Phó ban và có thêm Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Thanh tra Chính phủ và cả Bộ Công an.

"Làm sao để rà soát lại toàn bộ các dự án đang bị ách tắc 5 - 10 năm nay đắp chiếu để đấy. Trên cơ sở đó sẽ phân loại ra để có biện pháp xử lý thế nào đảm bảo không hợp lý hóa sai phạm. Nếu chúng ta làm được việc này thì sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn", ông Dũng nói.

Bộ trưởng KH-ĐT cũng thông tin, qua rà soát ban đầu, hiện có khoảng 160 dự án đất đai tồn đọng, với giá trị khoảng 59.000 tỉ đồng. "Nhưng chắc chắn còn nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ tổng rà soát xem mỗi địa phương đang ách tắc bao nhiêu dự án, cả nước đang còn bao nhiêu tiền. Đồng thời, phân loại ra để có chính sách giải quyết cho từng nhóm", ông Dũng cho biết thêm.

Theo ông Dũng, nếu giải quyết được các dự án đang ách tắc thì không chỉ giải phóng được nguồn lực lớn mà đóng góp ngay cho tăng trưởng, thu ngân sách và giúp đỡ cho nhiều doanh nghiệp đang bị đọng vốn tại các dự án này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.