Lên tiếng bào chữa cho nhà đầu tư đường tránh Cai Lậy tại diễn đàn Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về kết quả giám sát thực hiện chính sách đầu tư công trình giao thông theo hình thức BOT hôm 15.8, là phát biểu công khai duy nhất của Bộ trưởng GTVT cho đến thời điểm này, bất chấp “điểm nóng” Cai Lậy, hay những bất cập về BOT được liên tiếp chỉ ra.
Với tư cách là tư lệnh ngành, thay vì tiếp tục bào chữa cho những cái sai đã "hai năm rõ mười" như việc đặt trạm thu phí đường tránh Cai Lậy trên QL1 hoặc né tránh báo chí, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nên thẳng thắn nhìn vào các vấn đề của BOT trong thời gian qua.
Trước hết, cần làm rõ tại sao trong cùng một thời gian, gần 80 công trình BOT khu vực phía bắc (thanh tra vừa công bố), dự án nào cũng thường chỉ có "một nhà thầu" để cùng áp dụng hình thức "chỉ định thầu". Tại sao lại làm đồng loạt rất nhiều dự án BOT mà không lựa chọn thứ tự ưu tiên, công trình nào cần hơn thì làm trước để có điều kiện lựa chọn phương án tốt và có thể đấu thầu. Nếu tốt hơn nữa, cần làm rõ, trên thực tế Bộ GTVT là nơi đặt đầu bài hay các nhà đầu tư BOT chỉ đâu Bộ GTVT “ừ” đó?
Nguyên tắc BOT là để cho người dân có thêm lựa chọn, trả tiền thì được đi đường tốt hơn, chứ không phải sau BOT mọi con đường đều dẫn tới trạm thu phí. Đường BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng làm xong, 2 trạm thu phí trên QL5 (làm bằng vốn ODA) không những không được gỡ bỏ như tuyên bố của Bộ GTVT khi thu phí bảo trì đường bộ mà mức thu còn tăng lên, các loại xe đều tăng từ 20.000 đến 80.000 đồng/lượt. Mà ngỡ ngàng hơn là số tiền thu phí từ 2 trạm QL5 này được xác định là “khoản tiền hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng” (?).
Đừng viện lý do nhà đầu tư BOT thu phí không đủ trả lãi ngân hàng, nên phải đặt trạm thu phí trên cả quốc lộ - nơi dân có quyền tự do đi lại hàng trăm năm nay. Một nhà đầu tư chỉ được giao thực hiện một dự án BOT khi họ có đủ năng lực về tài chính, chứ không phải chờ có dự án mới chạy vay ngân hàng. Tại sao có những nhà đầu tư ở thời điểm được chỉ định thầu đang nợ ngân hàng ở mức không có khả năng chi trả?
Bộ GTVT tôn trọng "tính thừa kế nhà nước" là cần thiết nhưng nhà nước không bị buộc phải thừa kế cả những quyết định sai trái. Cần xem lại các hợp đồng BOT và phải tuyên vô hiệu những hợp đồng được ký trái pháp luật: ký không đúng thẩm quyền; chọn nhà thầu không đảm bảo các tiêu chí của BOT; nhà thầu có dấu hiệu gian dối khi dự thầu (không đủ năng lực tài chính - dựa trên khoản vốn vay và tổng mức đầu tư được thừa nhận sau kiểm toán...).
Bộ trưởng không thể né tránh. Đây là cơ hội để ông và Bộ GTVT lấy lại "danh dự" cho một phương thức huy động vốn xã hội làm các công trình công cộng: BOT.
Bình luận (0)