Báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi tới đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn diễn ra tuần sau cho biết, đến nay, sau nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU.
Giải thích nguyên nhân, ông Hoan nhấn mạnh: "Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp".
Theo ông Hoan, chỉ tính từ đầu năm đến ngày 8.8, tiếp tục xảy ra 26 tàu/166 ngư dân bị Maylaysia, Indonesia, Thái Lan bắt giữ, xử lý. Chưa kể các vụ việc bị Campuchia bắt giữ, xử lý 10 tàu/36 ngư dân. Các vụ việc tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang.
"EC khẳng định không gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng này", ông Hoan cho hay.
Cạnh đó, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC.
Ông Hoan cũng nêu nguyên nhân của việc gỡ thẻ vàng gặp khó khăn là do việc việc xử lý các hành vi IUU còn hạn chế.
"Công tác thực thi pháp luật, xử lý, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vượt ranh giới trên biển…", ông Hoan cho hay.
Sẽ thực hiện các biện pháp mạnh
Nêu giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh sẽ thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Ông Hoan cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; đặc biệt tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước có biển liên quan như Malaysia, Indonesia…
Cùng đó, kiểm tra 100% tàu cá xuất, nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng phải đảm bảo đủ các điều kiện; điều tra, xử phạt triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự, tiến hành điều tra, truy tố.
Cũng theo ông Hoan, Bộ Công an sẽ khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố, xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.
Bộ Ngoại giao sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; xác định ranh giới được phép khai thác hải sản trên các vùng biển nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý trên vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Nắm toàn bộ thông tin tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, cung cấp cho Bộ Quốc phòng để chỉ đạo lực lượng biên phòng tuyến biển kiểm tra, kiểm soát.
Cùng đó, nghiêm cấm các chủ nậu, vựa, cơ sở, doanh nghiệp thu, mua sản phẩm thủy sản khai thác từ tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, tiến hành điều tra, truy tố hình sự theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, cố tình móc nối để làm ăn phi pháp.
Bên cạnh đó, ông Hoan cũng nhấn mạnh giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU cũng như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực…
Bình luận (0)