Ngày 18.10, tại TP.HCM, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.
Đại diện các cơ quan của Bộ NN-PTNT và TP.HCM ký thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm |
Chí Nhân |
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN-PTNT nói: Trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai cực đoan, dịch bệnh thì Việt Nam vẫn đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân và có dư một lượng lớn để xuất khẩu. Đối với tình hình an toàn thực phẩm nội địa từng bước được cải thiện. Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch… Tồn tại có nguyên nhân do chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó là hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ.
Cũng theo ông Tiệp, để tăng cường chất lượng thực phẩm cho người Việt cần giải quyết các tồn tại nêu trên, bên cạnh việc tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn. Cần phải chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm.
Tham gia ý kiến, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia cho rằng, an toàn thực phẩm nội địa vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp và chưa được quản lý tốt. Có nhiều trường hợp, nhà sản xuất còn tâm lý và tư duy đối phó với các loại giấy tờ thủ tục mà chưa thật tâm đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích hàng giá rẻ, tiện lợi ở các chợ dân sinh, chợ tự phát và trôi nổi thay vì các kênh phân phối uy tín…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Một cái chợ đầu mối Bình Điền, mỗi buổi sáng có gần 20.000 người đến giao dịch hàng hóa thì làm sao có lực lượng chức năng nào kiểm soát nổi. Vậy vấn đề là phải đi từ khâu sản xuất, phải tổ chức được mạng lưới liên kết và hợp tác cũng như kiểm soát lẫn nhau. Nhiều người và thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý “xem xem cái đó có phải trách nhiệm được phân công hay không”. Chúng ta phải cùng nhau làm vì trách nhiệm đối với chính bản thân và con em chúng ta. Nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa và uy tín, danh dự của của mình; không nên xem các chứng nhận an toàn thực phẩm là giấy thông hành để lọt qua cửa nọ cửa kia mà phải làm ra sản phẩm vì sức khỏe và tạo niềm tin cho xã hội.
Bình luận (0)