Bộ trưởng Ngoại giao: Biển Đông vẫn chứng kiến các hành động trái luật pháp quốc tế

02/08/2021 15:08 GMT+7

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung, song khu vực này vẫn chứng kiến các hành động trái với luật pháp quốc tế.

Khẩn trương hành động để tự cường vắc xin

Sáng 2.8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) đã khai mạc bằng hình thức trực tuyến.
Đây là hội nghị mở đầu cho chuỗi hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác từ ngày 2 - 6.8.
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trước tình trạng dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực, sự xuất hiện của các biến thể mới, ứng phó và phục hồi sau đại dịch là nội dung được các bộ trưởng trao đổi nhiều.
Các bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vắc xin. Theo đó, ASEAN cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin.
Các nước đề nghị khẩn trương triển khai kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vắc xin, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng chia sẻ ý nghĩa thiết yếu của vắc xin ngừa Covid-19; đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Không quân sự hóa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông

Tại hội nghị, các nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông...
Trước các diễn biến phức tạp tại Biển Đông, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; bày tỏ quan ngại về tình trạng bồi đắp và các sự việc nghiêm trọng, trong đó có vấn đề gây tổn hại đến môi trường biển.

Hội nghị AMM-54 diễn ra dưới hình thức trực tuyến do dịch Covid-19

Ảnh Báo Thế giới và Việt Nam

Các bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước luật Biển 1982, kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước luật Biển 1982.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước, song khu vực này vẫn chứng kiến các hành động trái với luật pháp quốc tế, kể cả những hành động gây tổn hại đến môi trường biển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc và đề cao luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước luật Biển 1982.
“Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước luật Biển 1982 là cơ sở xác định quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển và là khuôn khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương”, ông Sơn nói.
Đẩy nhanh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar
Tại hội nghị, các nước nhấn mạnh cần triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4.2021. Các nước khẳng định mong muốn của ASEAN, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân.
Các bộ trưởng nhất trí cần khẩn trương triển khai hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh yêu cầu triển khai Đồng thuận 5 điểm, và đề nghị đẩy nhanh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar trong bối cảnh nước này đang hứng chịu tác động nặng nề của Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.