Sáng 30.10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2025 không phải vấn đề mới mà đã thực hiện hơn 10 năm qua. Vấn đề đặt ra hiện nay, cần phải nhìn nhận xem chúng ta đã làm được gì và sắp tới cần tiếp tục làm gì.
“Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều thông điệp phải làm ngay sau khi Nghị quyết 13 của Đảng được ban hành xây dựng chiến lược 10 năm và kế hoạch phát triển 5 năm tới. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu lớn, khát vọng lớn. Chúng ta nằm trong xu thế thay đổi nhanh chóng của thế giới và sự bất định trước tác động của dịch Covid-19, cũng như hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng đánh giá, việc thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn là hết sức cần thiết, nếu chậm hơn chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức: không thực hiện được công nghiệp hóa - hiện đại hóa; khó khăn trong thu hẹp khoảng cách giữa các nước; không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, không tiếp cận được Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; không tận dụng được cơ hội hội nhập với các hiệp định FTA; không tận dụng được cơ hội mới được hình thành sau đại dịch.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng |
gia hân |
Nguyên nhân có nhiều, song theo ông Dũng, sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn của chúng ta chưa theo kịp, làm ảnh hưởng tới mục tiêu, nhất là các cấp, ngành và địa phương. Nếu không coi đây là nhiệm vụ cấp bách thì sẽ không đạt được tái cơ cấu.
Bản chất tái cơ cấu, theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, là phân bổ lại nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó tăng năng suất lao động đạt tới chất lượng và hiệu quả. Cùng với đó là thay đổi hệ thống thể chế, chính sách phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, trong điều hành chỉ đạo, hình thành cơ cấu kinh tế mới hiệu quả hơn. Không chỉ cơ cấu lại các ngành, thành phần kinh tế mà còn quan tâm tới lĩnh vực quan trọng có tiềm năng, dư địa trở thành ngành mũi nhọn, lan tỏa, đóng góp nhiều hơn.
“Về giải pháp, chúng tôi chỉ nhấn mạnh một điều là tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được và phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để chúng ta quyết tâm thực hiện với một tư duy tầm nhìn mới và phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống các cát cứ, chia cắt. Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy chúng ta mới giải quyết được. Chứ nếu chúng ta đi theo từng phân khúc, chia cắt nó ra thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế", ông Dũng đề nghị.
Bình luận (0)