Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Khi đoàn tàu đang chạy không nên thay quá nhiều bánh xe…'

25/04/2023 18:57 GMT+7

Nói về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Khi đoàn tàu đang chạy, không nên thay quá nhiều bánh xe, máy móc, thiết bị. Để đoàn tàu chạy hết một chặng đường rồi có điều chỉnh, chắc là sẽ phù hợp hơn".

"Chương trình có cần điều chỉnh tiếp không?"

Cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT mới tường thuật buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các bộ về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Khi đoàn tàu đang chạy không nên thay quá nhiều bánh xe…' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát

MOET

Theo đó, phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dù phân cấp, phân trách nhiệm giữa Bộ GD-ĐT, các địa phương, các chủ thể rất rõ ràng, song mức độ vào cuộc, mức độ tham gia và hoàn thành công việc còn rất khác nhau. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình triển khai, cần được đánh giá sâu.

Tại thời điểm triển khai giám sát, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang trong lộ trình thực hiện, nhiều thứ mới dừng ở mức độ dự đoán, bước đầu đánh giá, phải đến khi triển khai hết một chu trình mới có thể đánh giá được kết quả. Bởi, đối với giáo dục và đối với con người, có những thứ nhìn thấy ngay, nhưng có những thứ - kể cả tích cực, tiêu cực - có khi một vài năm sau và lâu hơn nữa chúng ta mới đánh giá, mới nhìn thấy được.

Trả lời câu hỏi của trưởng đoàn giám sát: "Chương trình đã ổn chưa, có cần điều chỉnh tiếp không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc tới "hướng mở, linh hoạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018" và thuật ngữ "phát triển chương trình" với khẳng định việc điều chỉnh có thể thực hiện khi chương trình đang triển khai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ quan điểm: "Khi đoàn tàu đang chạy, không nên thay quá nhiều bánh xe, máy móc, thiết bị. Để đoàn tàu chạy hết một chặng đường rồi có điều chỉnh, chắc là sẽ phù hợp hơn".

"Giáo viên đã quen với nhiều bộ sách giáo khoa"

Từ thực tế triển khai những năm qua, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết, sau hơn nửa chặng đường triển khai, chương trình mới đã tạo được sự phấn khởi, luồng sinh khí mới cho ngành giáo dục, từ giáo viên, đến học sinh, bước đầu đang tạo ra những chuyển biến tích cực.

Ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai đi hết chặng đường và thực hiện tổng kết vào năm 2025. Lúc đó, những điều chỉnh cần thiết sẽ được thực hiện với tinh thần hết sức cầu thị để triển khai tốt hơn trong công cuộc chuyển đổi giáo dục.

Về câu hỏi đặt ra "nên một chương trình một bộ sách giáo khoa hay một chương trình nhiều sách giáo khoa", ông Nguyễn Kim Sơn nêu cụ thể 4 góc nhìn về vấn đề này: từ chuyên môn, từ chính sách, từ thực tế và từ dư luận.

Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ở thời điểm biên soạn và ban hành chương trình, giới chuyên môn đã bàn rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Với một số ý kiến còn khác nhau ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và phân tích kỹ lưỡng để điều chỉnh ở một dịp phù hợp; còn ở thời điểm đang triển khai, các ý kiến chuyên môn trực tiếp điều chỉnh ngay về chính sách sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.

Từ góc độ chính sách, ông Nguyễn Kim Sơn nhắc lại quá trình tính toán đề án của Chính phủ để đề xuất một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tới yêu cầu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhằm thống nhất triết lý về sự đổi mới là thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất; có nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp với thông lệ quốc tế; nhiều bộ sách phù hợp với mục tiêu đề cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của nhà trường và hoạt động của giáo viên mà chương trình mới đặt ra…

"Nếu coi chương trình là chuẩn thống nhất, sách giáo khoa là học liệu thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn chỉ có một học liệu", ông Nguyễn Kim Sơn nói, đồng thời nhấn mạnh, hiện nay việc đổi mới đang đi giữa chặng đường, nếu điều chỉnh chính sách quy mô lớn tại thời điểm chưa kết thúc quá trình có thể sẽ tạo nên khủng hoảng trong triển khai chính sách. Ban hành chính sách cần đánh giá thấu đáo, điều chỉnh chính sách giữa chừng càng cần tính đến tác động, đặc biệt là tính đến thiệt hại từ tâm lý và sự ủng hộ của người dân với chính sách.

Từ góc độ thực tiễn, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sau những lúng túng, bỡ ngỡ vài năm đầu từ lựa chọn sách, sử dụng sách… đến nay đã tạm ổn định, địa phương đã chọn lựa nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy, giáo viên đã quen với nhiều bộ sách. "Việc này bắt đầu thành một thói quen và dần thành bình thường. Nếu thay đổi lại sẽ làm thay đổi sự bình thường mà ngành giáo dục đã hết sức cố gắng xác lập được trong mấy năm vừa qua", ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Từ góc độ dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đổi mới khó tránh khỏi áp lực, khó tránh khỏi những ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, là những người đang thực hiện, ngành giáo dục hết sức lắng nghe, xem xét thấu đáo với tinh thần cầu thị.

Một trong những kiến nghị được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Bộ trưởng, đến năm 2025, khi kết thúc một chu trình, nếu có thay đổi có tính chất định hướng hoặc thay đổi lớn thì lúc đó sẽ xem xét thấu đáo.

"Ổn định về mặt chính sách là hết sức quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân", ông Nguyễn Kim Sơn phát biểu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.