Giáo viên mầm non việc nặng, lương thấp, áp lực nhiều
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ những "cái nhất" đáng buồn của cấp học này: thiếu cơ sở vật chất nhất, thiếu giáo viên nhất, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất, giáo viên nghỉ việc nhiều nhất, thu nhập của giáo viên thấp nhất, giáo viên áp lực nhất, các chính sách đầu tư cho cấp học ít nhất.
"Chúng ta đang chủ trương giáo dục phát triển con người toàn diện, trong đó đặc biệt chú ý đến phát triển nhân cách, đạo đức, tâm lý, tình cảm, thể chất… và chúng ta đều hiểu về khoa học giáo dục, hầu hết yếu tố quan trọng nhất đều được hình thành ở bậc mầm non, thậm chí sớm hơn. Chúng ta mong muốn người Việt Nam sống khoẻ, tuổi thọ cao và để có sức khoẻ ở tuổi già thì cần quan tâm từ bậc bé nhất về vấn đề dinh dưỡng, chăm sóc thể chất… Với nhiều lý do, đương nhiên chúng ta cần quan tâm bậc học này", ông Kim Sơn nói.
Tuy nhiên, về sự quan tâm với bậc học mầm non, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, còn nhiều điều cần bàn. Một số thách thức cụ thể của bậc học được Bộ trưởng đề cập. Đó là, chiều sâu kết quả giáo dục mầm non khó tính đếm được về thành tích như các cấp học khác; giáo viên mầm non việc nặng, lương thấp, áp lực nhiều dẫn tới thách thức chăm lo đội ngũ đảm bảo về số lượng, chất lượng, yên tâm công tác phát triển chuyên môn; mạng lưới giáo dục mầm non phân tán, đa dạng loại hình, khó kiểm soát về đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn phát sinh về an toàn rất cao.
Đối với thách thức về việc còn trên 15% trường tạm, chưa kiên cố hóa, ông Kim Sơn cho rằng, tiềm ẩn sau đó là sự bất bình đẳng giáo dục cấp mầm non. "Chúng ta đang hướng tới chuẩn bị phổ cập 3 - 4 tuổi, sẽ cần thêm nhiều chỗ học cho trẻ. Khi phổ cập 5 tuổi nhiều nơi đã dành trường học lớp 4 tuổi cho 5 tuổi. Do đó, phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi sẽ thách thức lớn nếu không có sự chuẩn bị. Nhưng đây cũng là cơ hội", Bộ trưởng nhận định, đồng thời cũng lưu ý về một số thách thức khác như chuẩn bị điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; thách thức trong chuyển đổi số ở bậc học này.
Nội bộ ngành cũng cần quan tâm hơn tới mầm non
Từ phân tích hàng loạt thách thức và lưu ý, Bộ trưởng yêu cầu cần có sự đổi mới trong nội bộ, sự quan tâm hơn trong nội bộ ngành với cấp mầm non. Trong đó, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính để thiết thực giảm áp lực cho giáo viên, cán bộ quản lý bậc học mầm non.
Bộ trưởng Kim Sơn cũng đề nghị cán bộ, giáo viên bậc học mầm non tham gia tích cực vào xây dựng luật Nhà giáo, trong đó có nội dung bảo vệ nhà giáo. Các sở GD-ĐT tranh thủ chương trình phổ cập, chương trình mục tiêu quốc gia… để từng bước kiên cố hóa và hướng tới hiện đại hóa cơ sở vật chất.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, đặc biệt là các nhóm lớp. Tập trung phân tích chính sách, những điểm còn mâu thuẫn chồng chéo về chính sách cần tập hợp, cùng lên tiếng phân tích để kiên trì thuyết phục điều chỉnh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát sắp xếp trường lớp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; thực hiện các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường, lớp mầm non hướng đến thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.
Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới....
Bình luận (0)