Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thời gian học trực tuyến không kéo dài như học trực tiếp

13/09/2021 11:39 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo một số nội dung tổ chức dạy học ứng phó diễn biễn dịch Covid-19 . Trong đó nêu rõ cần dạy học ra sao với từng hình thức: trực tuyến, trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ban hành Công điện số 905 đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư  khẩn trương chỉ đạo một số nội dung tổ chức dạy học ứng phó diễn biễn dịch Covid-19.

Lớp 1, lớp 2 học trên truyền hình và chưa kiểm tra, đánh giá

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.
Đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại, phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên các lớp cuối cấp. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khoẻ, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

Bản tin Covid-19 ngày 13.9: Cả nước 11.172 ca mới | TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9

Tận dụng tối đa thời gian học sinh được đến trường 

Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, công điện của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị cần tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai học trực tuyến khi cần thiết.
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ quản lý; sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo sở GD-ĐT tăng cường phối hợp với đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản của bài học, chủ đề các môn học để phát sóng và bổ sung kho học liệu số…, bảo đảm mỗi môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong 1 ngày.
Kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những địa phương mà học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học tập trực tuyến.
Tổ chức triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đặc biệt quan tâm đối với trẻ em mầm non, phổ thông… tại nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19; hỗ trợ các học sinh thuộc gia đinh có hoàn cảnh khó khăn vì Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.