Loay hoay ứng phó với sự tồn tại
Chiều nay 5.11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Giáo dục 2023. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là hội thảo được tổ chức thường niên, chủ đề của hội thảo năm nay là "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH".
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dù giáo dục ĐH Việt Nam đang trong trạng thái phát triển (với quy mô trên toàn hệ thống khoảng trên 500.000 sinh viên) nhưng tốc độ phát triển chậm, không có bứt phá.
Trong khi đó, Đảng, Nhà nước và người dân đang kỳ vọng đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao. Vì thế, cái chúng ta cần hệ thống giáo dục ĐH ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá.
"Thế nhưng, câu chuyện chúng ta bàn từ đầu đến giờ cảm giác vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường ĐH cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đã bàn về vấn đề chất lượng thì phải bàn về vấn đề lớn hơn, làm thế nào để các trường ĐH phát triển bứt phá, chỉ có phát triển mới có chất lượng. Còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là vô cùng khó.
Cần có đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. Cho nên cần nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường ĐH.
Với chủ đề thể chế, thực sự cũng có một số vướng. Vướng ở thực thể tự chủ, quản trị với mô hình của đơn vị giáo dục ĐH. Tự chủ là một thuộc tính của ĐH, nó cần có và đương nhiên là phải có, các trường ĐH trên thế giới sẽ không thể hiểu tại sao lại phải bàn về điều đương nhiên đó. Nhưng phát triển ĐH ở Việt Nam có một hoàn cảnh riêng, quản lý nhà nước từ cơ chế kế hoạch hóa bao cấp chuyển sang thị trường. Nên giờ đây chúng ta mới có hệ thống quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ ĐH, nhưng hiện chưa có được sự đồng bộ và chia sẻ của hệ thống pháp luật khác.
Với một cơ sở giáo dục ĐH mà áp dụng các quy định tương tự các cơ sở sự nghiệp công lập khác rất khó để tự chủ. Chẳng hạn, các nhà khoa học trong các trường ĐH cũng là viên chức. Nhưng họ cần sự tự chủ rất cao để sáng tạo, để thể hiện hết trách nhiệm của mình. Nếu theo chế tài của luật Viên chức thì các nhà khoa học khó có được sự tự chủ.
Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác, như quản lý tài sản công, sở hữu trí tuệ... Để đảm bảo tuân thủ các luật khác thì tự khắc tạo ra sự xung đột trong việc tạo điều kiện cho tự chủ ĐH.
"Câu chuyện lúc này là phải tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ ĐH đầy đủ, chiều sâu. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để mở đường cho kinh tế, chúng ta đã thực hiện một luật sửa nhiều luật. Đây là việc bất đắc dĩ trong xây dựng luật pháp, nhưng rất cần thiết để tránh những chồng chéo. Nếu có thể đề xuất một luật như vậy thì nên lấy tâm điểm là tự chủ ĐH và rà soát những gì chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi, để các luật khác, các quy định khác có thể mở đường cho tự chủ ĐH", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất.
"Tôi chỉ nhấn mạnh điều này, còn những việc khác như mô hình quản trị, kiểm định chất lượng, quản lý theo mô hình doanh nghiệp hay không… sẽ có nhiều dịp để bàn. Hôm nay, tại diễn đàn này, tôi chỉ đề đạt một điều: Cần có đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ ĐH".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bình luận (0)