Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Facebook và Google có 'tỉ lệ chấp hành' tăng cao

08/11/2019 09:56 GMT+7

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỷ lệ chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước của Google và Facebook đã tăng lên. Trong số 100 yêu cầu, Facebook đã chấp hành khoảng 70% và Google đã chấp hành 85%.

"Chúng ta đã làm mạnh hơn rất nhiều"

Sáng 8.11, ngày thứ 3, cũng là ngày chất vấn cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn. Bộ trưởng Hùng được đại biểu chất vấn về tin độc, tin giả, quản lý mạng xã hội và quản lý báo chí.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về việc từ khi luật An ninh mạng được ban hành, tin nhắn rác lại có dấu hiệu tăng. “Không ít video, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa; nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền được lan truyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm”, đại biểu nêu và đặt câu hỏi Bộ trưởng sẽ xử lý vấn đề này thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tuy luật An ninh mạng vẫn còn những điều khoản cần nghị định hướng dẫn chi tiết, nhưng nếu hỏi “chúng ta có dừng lại để đợi không, thì không, chúng ta làm mạnh hơn rất nhiều”.
“Trước đây, với Facebook, chúng ta yêu cầu 100 thì chỉ có 20, 30 yêu cầu họ thực hiện thôi. Gần đây, do có nhóm làm việc (với Facebook và Google hàng tháng), tỷ lệ chấp hành đã lên 70%. Với Google, trước ta nói 100, họ chấp hành cỡ khoảng 40, 50; hiện chấp hành đã lên đến 85%, thậm chí có nội dung lên tới hơn 90%; ví dụ tỷ lệ gỡ game xấu độc, game đánh bạc là lên tới 92%”, Bộ trưởng Hùng nói thêm và cho biết, cách đây 2 ngày, Facebook đã chính thức tuyên bố chặn quảng cáo chính trị với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Việt Nam có nhóm chuyên trách làm việc hàng tháng với Facebook, Google

Cũng liên quan đến mạng xã hội, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đặt câu hỏi về việc người dùng mạng xã hội có thể hình thành một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là “báo chí nhân dân”, trong đó “có nhiều trang mạng xấu độc nhưng có lượng độc giả lớn, tác động xấu đến đời sống xã hội, ví dụ trang của Khá Bảnh”. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng nêu trên, không bị động chạy theo giải quyết hậu quả?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hung, ở Singapore, người tung tin giả có thể bị phạt đến hàng triệu đô la, phạt tù đến 10 năm

Ảnh Ngọc Thắng

Theo Bộ trưởng Hùng, câu chuyện tin xấu độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu, không phải riêng nước ta mà toàn thế giới phải đối diện.
“Nói trong 3 phút thì rất khó, nhưng điểm chính là gì, tôi nghĩ đầu tiên là hành lang pháp lý”, Bộ trưởng nói và cho biết tuy Việt Nam đã có luật An toàn thông tin mạng, luật An ninh mạng, nhưng tất cả các quốc gia đều phải có quy định pháp luật riêng cho xử lý tin sai, tin giả.
“Những nước gần ta ra luật về xử lý tin giả là Singapore, với tinh thần chung là xử lý rất nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả. Họ không phạt vài chục triệu như chúng ta, mà có thể phạt đến hàng triệu đô la, đi tù đến 10 năm. Một số quốc gia, nếu người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù”, Bộ trưởng nói và cho biết “chúng ta cũng sẽ phải ban hành quy định pháp luật này. Thủ tướng đã giao Bộ Công an và Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ để xử lý tên giả.

Tin giả, xấu độc chủ yếu là trên Facebook, Google

Bộ trưởng cho hay: tin giả, xấu độc, chủ yếu là trên nền tảng mạng xã hội nước ngoài, chủ yếu là Facebook và Google, còn mạng xã hội trong nước ta cơ bản quản lý được.
“Hiện ta có nhóm làm việc chuyên trách, cùng với Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước làm việc thường xuyên với 2 nền tảng này hàng tháng. Mục tiêu đặt ra là tuân thủ pháp luật của 2 nền tảng này, trong đó có yêu cầu rất quan trọng là có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội. Tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội không xác định được danh tính, nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên”, theo Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông.
Bộ trưởng cũng cho hay, các yêu cầu của Chính phủ Việt Nam với các nền tảng này gồm: các nền tảng ấy phải có công cụ tự động để những tin xấu độc đã được định nghĩa thì tự động xóa bỏ. Thứ hai là hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ tin xấu độc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng “cũng phải nói thực” là tin xấu độc từ đâu mà ra, có khi từ chính chúng ta ra. Do đó, cần việc giáo dục, nâng cao nhận thức sống trên không gian mạng.
Do đó, Bộ Thông tin – Truyền thông đã kiến nghị làm việc với Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa kỹ năng số vào cấp học phổ thông.
“Không gian mạng là không gian mới, chúng ta còn chưa quen, có rất nhiều kỹ năng chúng ta phải ứng xử, phải phân biệt cái đúng cái sai. Chúng ta đọc một tin xấu là ta đã nuôi tin xấu ấy và làm cho nó lan tỏa. Ta đọc là họ có một view, là họ được hưởng lợi, quảng cáo tăng lên. Chính chúng ta lại là người lan tỏa những thông tin ấy”, Bộ trưởng nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.