Chiều 4.11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Ông Sơn dẫn lại thông tin có ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc in sách giáo khoa, phát hành có những vấn đề "lợi ích nhóm".
Ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong vài năm vừa qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều và cũng có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy, in phát hành sách phạm pháp.
"Những người này hiện nay đều đã được bắt mang đi rồi. Hiện nay, mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào mà theo đuổi lợi ích không hợp pháp thì chỉ giúp xem những nhóm đó ở đâu để phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát bắt mang đi tiếp", ông Sơn nói.
Quốc hội bật cười vì Bộ trưởng nhờ đại biểu chỉ giúp 'lợi ích nhóm' ở đâu
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng dành thời gian để phân tích thêm về nội dung được nhiều đại biểu đề cập, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, công nghệ mũi nhọn.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, Việt Nam đang đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh nền kinh tế có tỷ trọng doanh nghiệp FDI khá lớn. Nhiều doanh nghiệp mới đến thường đem theo những lĩnh vực Việt Nam chưa có hoặc lĩnh vực mới.
"Khi họ đem lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có đến thì câu hỏi họ đặt ra sẽ là các ông đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực cho tôi chưa?
Đây luôn luôn là câu hỏi khó trả lời, vì vậy cần phân tích hết khó khăn của việc đào tạo nhân lực để đáp ứng cho doanh nghiệp FDI, với những lĩnh vực chúng ta chưa có. Do vậy, kế hoạch, sự chủ động trong tương lai cần tăng lên mới có thể đáp ứng được yêu cầu này", ông Sơn nêu rõ.
Phấn đấu lọt top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo
Cũng liên quan đến đào tạo nhân lực chất lượng cao, trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định đây là nội dung Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới, gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Phấn đấu đến cuối 2025 nằm trong top 3 các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu", ông Dung nêu mục tiêu.
Để có thể đạt được mục tiêu trên, ông Dung cho rằng cần tập trung 2 đề án lớn. Thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển công nghệ cao.
Một số đề án khác cũng cần quan tâm, đồng thời có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công. Trong đào tạo đại học, cần chú trọng nghiên cứu khoa học và lấy tự chủ đại học làm khâu đột phá.
Trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cần tập trung vào khâu đổi mới hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá.
Đồng thời từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số; và phải điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. "Đây là vấn đề rất quan trọng, mang tính chiến lược", ông Dung nói.
Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của công nghiệp bán dẫn
Trước đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng), nhận định trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia.
Cho rằng Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Điển hình như thiếu hụt về công nghệ và nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư thiết kế chip và nhà khoa học vật liệu; chương trình đào tạo chưa được cập nhật và chất lượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Nguồn cung cấp điện ổn định và năng lượng sạch chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Nữ đại biểu nhận định nếu tận dụng tốt cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, hệ sinh thái và năng lượng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Bà Tú Anh đề nghị cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy hợp tác công - tư để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình đào tạo, đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn điện ổn định cho ngành công nghiệp bán dẫn…
Bình luận (0)