Mỹ sẽ tăng nhập khẩu đồ nội thất và sản phẩm gỗ từ Việt Nam
Trao đổi với báo chí chiều 19.4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack đã chia sẻ về việc Mỹ nhập khẩu đồ nội thất và các sản phẩm từ gỗ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ giảm 47,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ giảm mạnh nhất, chiếm 46,7% tổng trị giá xuất khẩu, giảm 13,6 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, ông Vilsack cũng chia sẻ tín hiệu lạc quan hơn cho việc xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Mỹ khi nền kinh tế nước này đã bắt đầu kiểm soát được lạm phát và nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục vững mạnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết, nước này sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nâng cao năng lực cho phía Việt Nam trong việc giám định các loại gỗ. Điều này thể hiện qua việc khai trương Trung tâm Giám định gỗ Việt Nam với sự hỗ trợ của Cục Lâm nghiệp Mỹ.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack đã cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam.
Công nghệ giám định gỗ DART được Cục Lâm nghiệp Mỹ hỗ trợ trong một dự án với Việt Nam. Đây là hệ thống phân tích tự động phân tích thành phần hóa học của các hợp chất có trong gỗ với thời gian cho ra kết quả chỉ khoảng 10 phút.
Mỹ sẽ hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Việt Nam
Trước câu hỏi Mỹ sẽ có hỗ trợ gì trong quá trình Việt Nam thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vào năm 2030 (dự kiến cần đầu tư ít nhất 1,7 tỉ USD), Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack cho biết, ông cũng đã thảo luận vấn đề này trong chuyến thăm Việt Nam và đây cũng sẽ là sự tiếp nối của những hoạt động hỗ trợ mà Mỹ đã thực hiện với Việt Nam lâu nay.
Bộ trưởng Vilsack khẳng định, Mỹ sẽ có hỗ trợ tài chính, chia sẻ kiến thức kỹ thuật thông qua chương trình sử dụng phân bón hiệu quả và bền vững. Đồng thời, sẽ trao đổi chuyên gia và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ sang đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Vilsack đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong vấn đề an ninh lương thực khi Việt Nam là một nước sản xuất lúa gạo lớn hàng đầu trên thế giới. "Đây cũng là lý do mà chúng tôi cũng đang muốn tăng cường các nỗ lực hợp tác và hỗ trợ trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo để Việt Nam có thể đóng góp cho thế giới tốt hơn", ông Vilsacks khẳng định.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết, ông đã mời Việt Nam cử đoàn đến tham dự Hội nghị AIM for Climate tại Washington D.C đầu tháng 5 tới. Đây là một ý tưởng của Mỹ nhằm đẩy nhanh các sáng kiến, đổi mới trong nông nghiệp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Sáng kiến này của Mỹ đã nhận được cam kết hỗ trợ ít nhất 10 tỉ USD cho các nước đang phát triển như Việt Nam về các kỹ thuật canh tác ứng phó biến đổi khí hậu. Sau hội nghị vào tháng 5 tới tại Mỹ, số tiền cam kết có thể còn cao hơn nữa. Điều này sẽ đóng góp vào việc thiết kế và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho một số quốc gia nhất định trong việc thúc đẩy thực hành nông nghiệp thông minh.
Cũng trong cuộc trao đổi, Bộ trưởng Vilsack cho biết, Mỹ đang hoàn thiện các thủ tục để mở cửa thị trường cho quả chanh leo và dừa nguyên vỏ của Việt Nam. Ngoài ra, nước này cũng rất cảm kích trước việc Việt Nam chuẩn bị mở cửa thị trường cho một số loại quả của Mỹ như đào, xuân đào, quýt vàng.
Bình luận (0)