Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Trường nào mà không công khai là 'chui', là không được'

06/01/2020 14:21 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ , luật Giáo dục đại học bổ sung, sửa đổi thúc đẩy việc thực hiện quyền tự chủ của các trường, đồng thời yêu cầu nghĩa vụ giải trình, trong đó công khai là một phương thức.

Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học

Hôm nay, 6.1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99 (hướng dẫn thực hiện luật bổ sung, sủa đổi một số điều luật Giáo dục đại học, còn gọi là luật 34).
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh các trường được giao quyền tự chủ.
Theo ông Nhạ, 1 trong 4 đầu việc Bộ phải làm trong thời gian tới là hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học. Trên cơ sở chuẩn dữ liệu thì chuẩn kết nối, từ điều kiện đảm bảo chất lượng, đầu ra, tất các chỉ số của cơ sở giáo dục đại học đều phải được công khai. Từ đó, xã hội và các bên liên quan giám sát.
Ông Nhạ nêu ví dụ: “Như với vấn đề văn bằng chẳng hạn. Nếu ta công khai trong hệ thống cơ sở dữ liệu, thì những sinh viên vào trường, trong quá trình tổ chức đào tạo, và ra trường, đều được thể hiện trên cơ sở dữ liệu, trên hồ sơ sinh viên, và tốt nghiệp như thế nào cũng phải công bố.
Điều này sẽ giúp khắc phục căn bản tình trạng bằng giả. Bởi khi cơ sở dữ liệu có trong cơ sở giáo dục đại học thì không thể có một cái tên không nằm trong danh sách sinh viên của trường mà lại có bằng. Lúc đó, người sử dụng, hoặc người cần thẩm định hồ sơ chỉ cần vào cơ sở dữ liệu để tra cứu thì sẽ ra ngay được người đó có tên hay không".
Ông Nhạ cho biết thêm, Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện trong năm nay là phải kê khai. "Chúng tôi đang giao Cục Quản lý chất lượng giáo dục phối hợp với các trường làm. Trường nào mà không công khai là "chui", mà như vậy là không được. Trong quá trình thực hiện, đề nghị các trường tích cực phối hợp để chúng ta có bộ cơ sở dữ liệu thống nhất, liên thông trong toàn ngành, toàn hệ thống”.

Giải trình thông qua kiểm định

Một phương thức giải trình khác, theo ông Nhạ, rất quan trọng mà Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo, là yêu cầu các trường tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng đơn vị và kiểm định ngành.
"Luật 34 cho phép chúng ta tự chủ, mặt khác yêu cầu chúng ta phải giải trình - giải trình thông qua kiểm định... Cho nên, phải tiến tới nâng cao cái kiểm định đích thực, để xem từng ngành, từng trường đang ở đâu so với chuẩn tối thiểu và minh bạch nó. Làm được như vậy thì xã hội sẽ cùng giám sát", ông Nhạ nói, và nhấn mạnh: “Bản thân cán bộ, giảng viên nhà trường qua đó cũng nhìn thấy mình đang ở đâu để mà hạn chế việc có những góc khuất. Chính các góc khuất đó tạo ra tiêu cực”.
Theo ông Nhạ, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ sửa thông tư về kiểm định viên. Thực hiện theo luật Giáo dục đại học, thì trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập. Phải tăng cường trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm giải trình của các trung tâm này.
Theo ông Nhạ, để triển khai Nghị định 99, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trước hết là rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản luật pháp liên quan, theo tinh thần không phát sinh các thủ tục hành chính, sát vào tinh thần tự chủ đại học, đồng thời rất chú trọng các đối tượng mà ta hướng tới là các trường.
Bộ sẽ tập trung chức năng nhiệm vụ về pháp chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các trường nhưng phải đảm bảo chặt chẽ. Đồng thời, tích cực kiểm tra giám sát xử lý kịp thời những vi phạm. "Phải nghiêm để khuyến khích các trường làm tốt, đồng thời răn đe xử lý những trường làm không tốt", ông Nhạ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.