(TNO) Trên đường đến thăm đồng minh Israel và Ả Rập Xê Út hôm 19.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng khả năng tấn công quân sự Iran vẫn để ngỏ bất chấp thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trả lời phỏng vấn báo chí trên máy bay giữa hành trình tới Israel - Ảnh: AFP
|
Chuyến thăm Trung Đông của ông Carter diễn ra trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhất là Israel đang "nổi đóa" vì thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng 5 quốc gia khác đạt được với Iran nhằm ngăn cản nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại Iran sẽ được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến kinh tế và dầu mỏ. Ông Carter là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Israel và Ả Rập Xê Út kể từ sau thỏa thuận hạt nhân.
Israel cho rằng thỏa thuận là một sai lầm, sẽ không đủ mạnh để ngăn chương trình hạt nhân của Iran. Các quốc gia do chính quyền của người Hồi giáo Sunni nắm quyền trong khu vực cũng lo sợ thỏa thuận sẽ giúp gia tăng sức mạnh của thế lực Hồi giáo Shiite đối lập trên khắp Trung Đông.
Lầu Năm Góc tuyên bố rằng chuyến thăm của ông Carter đã được lên kế hoạch từ trước chứ không phải có mục tiêu trấn an các đồng minh sau thỏa thuận kể trên. Tuy nhiên, báo The Washington Post đưa tin, Iran sẽ vẫn là một đề tài bao trùm, trong đó bao gồm kế hoạch tìm cách kìm hãm sự ủng hộ của Iran với các đối thủ chung của Mỹ và các đồng minh, chẳng hạn lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine hay Houthi ở Yemen.
Lãnh đạo tối cao Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei hồi cuối tuần qua tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh tại Yemen và Syria.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Carter tuyên bố: "Một trong những lý do thỏa thuận vừa qua là một thỏa thuận tốt bởi nó không có điều khoản nào liên quan đến quyền lựa chọn sử dụng quân sự, điều mà chúng tôi vẫn đang duy trì và tiếp tục cải thiện".
Trên đường đến Israel, ông Carter tuyên bố ông không mong đợi thay đổi được quan điểm của lãnh đạo nước này: "Tôi sẽ không cố gắng thay đổi quan điểm của bất kỳ ai ở Israel. Chúng tôi có thể từ đồng ý đến bất đồng".
Bình luận (0)