Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore ngày 4.6, Thượng tướng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho rằng tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Bắc Kinh tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu. Không nêu đích danh nước nào, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc "một số quốc gia" thích áp đặt các quy tắc của mình lên các quốc gia khác theo "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", theo South China Morning Post (SCMP).
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc nói gì tại Đối thoại Shangri-La?
"Cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của họ không bao giờ cho bạn biết luật lệ là gì, và ai đã đặt ra những luật lệ này", ông Lý nói trong bài phát biểu trước các tướng lĩnh quân đội và quan chức quốc phòng, ngoại giao có mặt tại SLD, diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á được tổ chức thường niên ở Singapore.
"Họ thực hành chủ nghĩa ngoại lệ, tiêu chuẩn kép và chỉ phục vụ lợi ích và tuân theo các quy tắc của một số ít quốc gia", SCMP dẫn lời vị tướng Trung Quốc.
Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông Lý trước khán giả quốc tế kể từ khi ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 3. Trước sự kiện ở Singapore, ông đã trở thành tâm điểm chú ý khi từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bên lề SLD theo đề nghị của Lầu Năm Góc.
Trong phát biểu tại SLD, Bộ trưởng Lý cũng quảng bá Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) mới của Bắc Kinh. Được công bố bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 năm ngoái, GSI tập hợp các nguyên tắc và đường lối về chính sách đối ngoại mà một số nhà quan sát cho là nỗ lực xây dựng đối trọng với trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt.
"Chúng tôi cực lực phản đối việc áp đặt ý chí của nước này lên nước khác, đặt lợi ích của nước mình lên trên lợi ích của nước khác và theo đuổi an ninh của riêng mình bằng cái giá mà nước khác phải trả", ông Lý nói, cáo buộc một số quốc gia "cố ý can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác".
Song vị tướng tỏ ra mềm mỏng hơn khi nói về quan hệ song phương Trung - Mỹ với đánh giá rằng quan hệ giữa hai nước trong vài năm qua đã xuống mức "thấp kỷ lục" kể từ năm 1979. Theo ông Lý, xung đột hoặc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa "không thể chịu nổi" đối với thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc sẵn sàng cho tình huống "xấu nhất"
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết nước này sẵn sàng trao đổi với Mỹ, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa quân đội hai nước, song việc này cần phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. "Đó là nguyên tắc hết sức cơ bản", ông nói.
Trước đó hôm 3.6, cũng tại SLD, ông Austin cho rằng Trung Quốc thiếu thiện chí đối thoại khi từ chối đề nghị tổ chức hội đàm giữa hai vị bộ trưởng quốc phòng tại Singapore. Theo lãnh đạo Lầu Năm Góc, ông quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc không sẵn sàng tham gia nỗ lực quản lý khủng hoảng quân sự, cũng như cho rằng đàm phán là chìa khóa để tránh xung đột.
Một vị tướng trong phái đoàn Trung Quốc dự SLD nói với SCMP rằng Trung Quốc bác bỏ đề xuất gặp gỡ của Mỹ chủ yếu là vì lệnh trừng phạt của Washington đối với ông Lý từ năm 2018. Bắc Kinh cũng cho rằng Mỹ đã không tạo ra bầu không khí có lợi cho đối thoại.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3.6 thông báo ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, sẽ có chuyến thăm Trung Quốc và New Zealand trong tuần tới. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy bỏ vô thời hạn kế hoạch thăm Bắc Kinh, sau khi hai bên nổ ra tranh cãi vì vụ "khinh khí cầu do thám".
Cũng tại SLD ngày 3.6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc chiêu mộ phi công quân sự Đức để huấn luyện lực lượng của Trung Quốc, theo Reuters. Ông cũng cho biết, trong cuộc gặp giữa hai bên, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc không phủ nhận việc này nhưng cho rằng vấn đề không có gì nghiêm trọng.
Tờ Spiegel của Đức hôm 2.6 đưa tin rằng các cựu phi công chiến đấu của Đức đã huấn luyện phi công quân sự Trung Quốc trong suốt nhiều năm. Theo bài báo, các quan chức an ninh Đức cho rằng rất có thể các phi công Đức đã truyền đạt cho phía Trung Quốc kiến thức quân sự chuyên môn, chẳng hạn các chiến thuật hoạt động bí mật của lực lượng Đức và NATO.
Giới chức Trung Quốc không lập tức bình luận về thông tin từ phía Đức.
Bình luận (0)