Bộ trưởng Tài chính: 'Khoản nho nhỏ này mà trình ra Quốc hội thì thế nào ấy'

15/03/2022 10:46 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ chối đề nghị bổ sung khoảng hơn 5.600 tỉ đồng tiền viện trợ nước ngoài vào dự toán ngân sách các năm 2020, 2021 của Chính phủ vì cho rằng việc này là thẩm quyền của Quốc hội.

Làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành không tuân thủ luật

Sáng 15.3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2020 và 2021.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

gia hân

Trong 2 tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách T.Ư 2 khoản viện trợ khoảng 1.413 tỉ đồng phát sinh trong 2020 và 4.217 tỉ đồng trong năm 2021 nhưng chưa được đưa vào dự toán.

Theo ông Phớc, đây là các khoản “tăng thu” nên thẩm quyền quyết định là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến Ủy ban này cho rằng, về thẩm quyền, Chính phủ cần trình việc này ra Quốc hội để quyết định, chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dẫn quy định của luật Ngân sách nhà nước quy định việc Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, ông Cường cho rằng chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán.

“Việc Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với luật Ngân sách nhà nước”, ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, Chính phủ trình bổ sung dự toán năm 2020 và xác định đây là khoản viện trợ phát sinh trong năm, song báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã xác nhận khoản thu, chi này.

Như vậy, đây là khoản đã phát sinh từ năm 2019, không phải là khoản phát sinh trong năm 2020, nhưng đến năm 2022 mới báo cáo bổ sung dự toán và phân bổ khoản chi này là quá chậm (gần 4 năm).

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan T.Ư xác định rõ trách nhiệm trong việc không tuân thủ quy định của luật Ngân sách nhà nước”, ông Cường nêu.

“Không thể nói chơi một hai câu là được”

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các khoản viện trợ mà Chính phủ đề nghị bổ sung vào dự toán các năm trước đều “rất minh bạch”, và việc bổ sung này “chủ yếu là thủ tục thôi”.

“Khoản nho nhỏ thế này mà trình ra Quốc hội thì nó thế nào ấy”, ông Phớc nêu quan điểm, và cho rằng chỉ nên trình để Quốc hội quyết những việc lớn, có tính chất quyết sách, còn những khoản như thế này đều được báo cáo thường xuyên, minh mạch, quản lý chặt chẽ nên chỉ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

gia hân

Không đồng tình với ông Phớc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu nói "nên thế nọ thế kia" thì phải sửa luật chứ “không thể nói chơi một hai câu là được”.

“Theo pháp luật về ngân sách thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định việc này. Không thể cứ khi nào có khoản viện trợ thì Chính phủ lại đi báo cáo bổ sung vào dự toán. Như thế Chính phủ làm không hết mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không nghe”, ông Huệ nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách rằng đây chính xác không phải là khoản tăng thu của năm 2020 và 2021, mà là chênh lệch dự toán ngân sách, do đó, thẩm quyền quyết định là của Quốc hội, ông Huệ nhấn mạnh: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền này mà chỉ chuẩn bị ý kiến trình Quốc hội quyết. Từ xửa xưa tới giờ vẫn thế không phải Quốc hội khóa XV mới thế”. Theo Chủ tịch Quốc hội, tờ trình của Chính phủ về vấn đề này chưa đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Chính phủ hoàn tất chuẩn bị trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.