Sáng ngày 3.11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải trình nhiều vấn đề liên quan đến các vấn đề sửa luật Đất đai (sửa đổi) khi thảo luận tại tổ đại biểu TP.HCM.
Chống phân lô, bán nền
Đáng chú ý, với việc phân lô bán nền, theo Bộ trưởng Hà, quan điểm của ban soạn thảo phải có quy hoạch chi tiết 1/500 mới được chuyển đổi mục đích. Với khu vực nông thôn đất đai ở ổn định, cho phép trên cơ sở phù hợp quy hoạch, điều kiện tiêu chí thì được tách thửa, tách lô nhưng phải chống được phân lô, bán nền.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà |
gia hân |
Về giá đất, ông Hà cũng khẳng định “4 phương pháp định giá đất xin không bao giờ sai, thế giới cũng áp dụng”. Nhưng quan trọng nhất là giá thị trường chưa có, giá sơ cấp là chủ yếu nhà nước giao đất và tính giá theo khung, bảng; không theo thị trường, đây là bất cập rất lớn. “Tính giá thu thuế theo hợp đồng nên người dân không bao giờ khai đúng”, ông Hà chia sẻ.
Để khắc phục các bất cập này, phương pháp mới nhất là định giá theo khu vực, theo vùng giá trị. Đây là phương pháp thế giới đã làm được, nhưng với điều kiện phải có bản đồ địa chính số, thiết lập được mạng lưới và thu được thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn. Dự báo 5 năm có khả năng thực hiện được phương pháp này. Tuy nhiên, trên thực tế theo ông Hà, Hà Nội và TP.HCM đã làm được phương pháp này.
“Chúng ta hoàn toàn có phương pháp thu thập được, tất nhiên phải chế định để thông tin này chính xác. Quan trọng nhất là giá đất không được mang ý chí chủ quan, phải dựa trên thống kế toán học và độc lập với cơ quan định giá”, ông Hà nói và cho biết hiện nay vẫn cần hội đồng và cơ quan tư vấn để định giá đất, sau này vẫn cần nhưng sẽ có phần mềm, Bộ TN-MT cùng các chuyên gia quốc tế sẽ đưa ra.
“Giá thị trường sẽ không mang tính chất ý chí của chúng ta, mà toàn bộ giá trên các thửa đất chuẩn, ở vùng định giá chính, có thể không cần 1 triệu thửa đất chuẩn mà cần khoảng 300.000 thửa đất chuẩn, để quy đổi theo phương pháp thống kê có giá đất ổn định tương đối. Còn thực tế không thể có giá thị trường đúng nhất”, Bộ trưởng TN-MT nêu.
Chưa luật hoá với yếu tố nước ngoài
Đáng chú ý, về vấn đề an ninh quốc phòng, ông Hà cho biết Nghị quyết số 18-NQ/TW không đề cập tới yếu tố nước ngoài nên chưa được thể chế hoá. Thực tế hiện nay luật Đầu tư có quy định với doanh nghiệp 49% yếu tố nước ngoài, luật Nhà ở thì người nước ngoài được tiếp cận nhà ở nhưng không được quyền sử đụng đất. Đây là vấn đề rất bất cập, nếu không kiểm soát được sẽ có khe hở.
Vì thế, định hướng đưa ra sẽ tính quy hoạch an ninh quốc phòng, tiêu chí thế nào là nhạy cảm như đất ven biển, đất các đảo, vùng biên giới...
“Có đưa vào luật hay không? Các nước đều có quy định nhưng với đạo luật đặc biệt, vì nói đối tượng nước ngoài có rất nhiều đối tượng. Việc hạn chế tiếp cận đất đai không thể không quy định trong luật, đưa vào luật mang tính nguyên tắc để tránh nhạy cảm về ngoại giao, nhưng giúp Chính phủ chế định được cụ thể”, ông Hà nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ TN-MT, có rất nhiều điều chưa đưa vào cụ thể trong luật (hiện vẫn còn hơn 20 điều). Nếu đưa vào cần đánh giá chung cả nước, vì có thể đúng với TP.HCM nhưng không đúng cả nước. Ví dụ vấn đề đất tôn giáo, các hoạt động mang tính chất tín ngưỡng...
Bộ trưởng Hà cũng khẳng định, không có khái niệm nhà nước thu hồi đất làm quốc phòng an ninh, làm đường thì giá rẻ hơn thu hồi giá đất thương mại, dịch vụ, mà trên một mặt bằng chính sách. Nhà nước sẽ trực tiếp điều tiết địa tô chênh lệch, hài hoà lợi ích giữa địa phương, doanh nghiệp và người dân, đảm bảo công bằng cho các đền bù khác.
“Quan điểm của Bộ chỉ thu hồi khi chứng minh được dự án an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội nhưng mang lại lợi ích quốc gia công cộng. Người dân trực tiếp bị thu hồi đất sẽ tham gia ý kiến khảo sát, nếu người dân không đồng ý thì chỉ dừng lại dự án quốc phòng an ninh và dự án nhà nước bỏ tiền ra đầu tư”, ông Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)