Bộ trưởng Tô Lâm: 'Cảnh sát khu vực phải có mạng xã hội để tương tác với dân'

23/03/2021 20:14 GMT+7

"Công an nhân dân phải sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho công tác. Bộ Công an cũng chủ trương công an xã, cảnh sát khu vực phải có mạng xã hội để tương tác với nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói.

 Chiều ngày 23.3, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an phối hợp Văn phòng Bộ Công an và các đơn vị chức năng tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Đảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an với đoàn viên thanh niên trong lực lượng công an. Đại tướng Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc đối thoại.
Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Tô Lâm đã dành nhiều thời gian giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của đoàn viên thanh niên Bộ Công an về những khó khăn thách thức của lực lượng công an nói chung trong xu hướng hội nhập khu vực và thế giới; các vấn đề liên quan đến tội phạm tuyền thống, phi truyền thống, việc nắm bắt công nghệ thông tin trong hoạt động ngành…
Đại úy Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP.Hà Nội đặt câu hỏi: “Bộ Công an có quan điểm chỉ đạo như thế nào về việc sử dụng mạng xã hội để nắm bắt, định hướng tư tưởng cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên; tuyên truyền về kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, gương người tốt việc tốt, hoạt động của tổ chức Đoàn các cấp trong lực lượng hiện nay, đồng thời đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng? Những điểm cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội phục vụ công tác Công an?".
Đại tướng Tô Lâm cho biết:
"Mạng xã hội là một ứng dụng khoa học công nghệ đang phát triển rất tốt. Được xuất phát từ Mỹ, đây là một công nghệ rất hiện đại, thậm chí còn thay cả nhiều cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo khác, sử dụng trí tuệ thông minh điều khiển, định hướng suy nghĩ... Bây giờ các đồng chí quan tâm vấn đề gì thì tự nhiên hàng trăm thông tin trên mạng đổ dồn về vấn đề đó. Chúng ta phải nhận thức được, tác dụng của mạng xã hội rất lớn, do đó chúng ta phải biết những mặt tích cực, tiêu cực của mạng xã hội để từ đó áp dụng vào công tác công an.
Chẳng hạn, nếu biết sử dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền thì rất hay. Một người nói, hai người nói không thành dư luận, phong trào, nhưng khi lên mạng xã hội có bình luận, nút like... sẽ tạo ra dư luận; hàng trăm người like, bình luận sẽ thành dư luận xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội để nắm bắt tư tưởng cán bộ chiến sĩ, để tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt việc tốt, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái... thì rất tốt.
Trong công an nhân dân phải sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho công tác, đó là điều khẳng định của Đảng ủy Công an T.Ư. Bây giờ Bộ cũng đang có chủ trương công an xã, cảnh sát khu vực phải có mạng xã hội để tương tác với nhân dân. Tuy nhiên, các đồng chí phải biết được mặt tích cực và tiêu cực, không để các thông tin tiêu cực lôi kéo. Chủ trương chung là đoàn viên thanh niên công an phải sử dụng mạng xã hội, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thủ địch. Vừa qua chúng ta làm tốt việc này.
Nếu sử dụng mạng xã hội, trong công an cần phải chú ý điều gì?
Một là bảo đảm bí mật của ngành. Nôm na, chúng ta có một cái nhà, cái kho chứa đựng bí mật, cửa chính có bảo vệ, nhưng trong nhà có người mở cửa sổ thì tên trộm sẽ vào lấy được bí mật ra. Chỉ cần một người thiếu ý thức trách nhiệm, cả hệ thống sẽ bị phá vỡ sự bảo mật.
Thứ hai là giữ bí mật về danh tính con người, có quy định cán bộ chiến sĩ công an không giới thiệu tên, hình ảnh qua mạng xã hội.
Thứ ba là góp phần lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Nhìn chung, điều cần hạn chế đối với cán bộ chiến sĩ công an khi sử dụng mạng xã hội chủ yếu là bảo đảm an ninh, an toàn, giữ bí mật, mỗi cán bộ cần hiểu rõ điều này để tự bảo vệ mình”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.