Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tuyệt đối không để tràn dầu ở vịnh Quy Nhơn

07/11/2017 19:08 GMT+7

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà yêu cầu trục vớt các tàu bị chìm tại vịnh Quy Nhơn (Bình Định) đồng thời quây các phao xung quanh để phòng ngừa nguy cơ tràn dầu.

Ngày 7.11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định và các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn để triển khai công tác ứng phó, ngăn chặn sự cố tràn dầu do 10 tàu hàng bị chìm hoặc mắc cạn ở vịnh Quy Nhơn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (phải) và Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng thị sát các tàu hàng bị chìm trên biển Ảnh: Hoàng Trọng
Theo ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, trong các tàu bị nạn tại vịnh Quy Nhơn, tàu FEI YUE 9 (quốc tịch Mông Cổ) đang bị sóng đập vào đá, sắp bị vỡ két chứa dầu, tàu này có 8 tấn dầu SO và 23 tấn DO.
Ngoài ra, các tàu bị chìm khác như tàu Biển Bắc, Nam Khánh 26, Hạ Trung 98, Hà Trung 98, Hoa Mai 68, Song Long 08… có chưa tổng cộng 68.000 tấn dầu DO.
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết trong ngày 5 và ngày 6.11, đoàn chuyên gia gồm 14 người của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra nhưng không phát hiện có vết dầu loang trên biển, chỉ nghe mùi dầu.
“Hiện chưa có dầu tràn ra nhiều. Theo đánh giá của tôi, khi trục vớt thì chắc chắn nguy cơ dầu sẽ tràn ra”, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến nói.
Tàu FEI YUE 9 đang bị sóng đập vào đá ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cho rằng nếu xảy ra tràn dầu tại vùng biển Quy Nhơn, sẽ là một thảm họa đối với môi trường, thiệt hại lớn đến nuôi trồng, đánh bắt hải sản và hoạt động du lịch của tỉnh này.
Các tàu bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh các nhiệm vụ hết sức cấp bách lúc này là tìm kiếm những người mất tích thì phương án cứu hộ, các phương án xử lý nguy cơ dầu tràn, các phương án trục vớt tàu chìm phải tiến hành khẩn trương. Quá trình cứu nạn, trục vớt phải đảm bảo an toàn tính mạng về con người, an toàn về môi trường.

tin liên quan

Xử lý sự cố tràn dầu tại vùng biển Quy Nhơn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết tại vùng biển gần phao số 0 Cảng Quy Nhơn có nhiều váng dầu; một số khu vực ven biển Quy Nhơn có thể ngửi thấy mùi dầu.
“Địa phương, các cơ quan trung ương, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn phải coi đây là trách nhiệm chung của mình. Nhưng cần phải có sự phân công trách nhiệm chi tiết, cụ thể, rõ ràng của từng đơn vị, trong đó có trách nhiệm của chủ tàu cũng như các bên liên quan. Thống nhất phương án là tiến hành trục vớt đồng thời với việc quây các phao xung quanh tàu chìm để phòng ngừa nguy cơ tràn dầu. Trước khi trục vớt, phải tiến hành việc hút dầu, nguyên liệu trong tàu ra trước. Tuyệt đối không được để xảy ra tràn dầu ở đây”, Bộ  trưởng Trần Hồng Hà nói.

Sáng ngày 7.11, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó ban thường trực làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình diễn biến mưa lũ và công tác ứng phó của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cùng đoàn đã đến thăm và kiểm tra những vùng bị ngập nước do mưa lũ và khu vực kè chống sạt lở dọc bờ biển Thuận An. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo tình hình mưa lũ và công tác triển khai ứng phó với mưa lũ trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đánh giá cao công tác chủ động của tỉnh, đặc biệt là công tác chỉ đạo vận hành, điều tiết nước của các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn. Các chủ hồ đập tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt tích trữ nước, hạn chế lưu lượng xả vào ban đêm nên chỉ ngập lụt ban ngày; nhờ đó các địa phương đã chủ động ứng phó, sơ tán, di dời, giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Do mưa lớn nên đến thời điểm hiện tại thì nước trên các sông tiếp tục cao trở lại. Thứ trưởng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tăng cường dự báo mưa, theo dõi mực nước ở các hồ chứa để có sự chỉ đạo điều tiết, vận hành một cách khoa học, vừa đảm bảo cho công trình và đảm bảo cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh sớm nắm bắt tình hình thiệt hại của người dân để có phương án khắc phục và hỗ trợ kịp thời, sớm trở lại cuộc sống bình thường, đặc biệt đảm bảo cho hội nghị APEC diễn ra an toàn.

Hiện tại lũ trên các sông ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang dao động ở mức dưới báo động 3, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến rất phức tạp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động và khẩn trương khắc phục thiệt hại, kịp thời cứu trợ lương thực cho người dân các vùng trũng bị chia cắt.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã có chuyến công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân trong mưa lũ tại Thừa Thiên - Huế.
Bùi Ngọc Long - Lê Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.