Bộ trưởng TT-TT: Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí

12/11/2024 10:59 GMT+7

Chất vấn Bộ trưởng TT-TT, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu tình trạng sụt giảm nguồn thu của báo chí do sự cạnh tranh của mạng xã hội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí không nên chạy theo mạng xã hội mà cần quay về giá trị cốt lõi, định hướng.

Sáng 12.11, Bộ trưởng TT-TT đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội liên quan đến các vấn đề về quản lý báo chí, viễn thông.

Nếu báo chí cứ chạy theo mạng xã hội sẽ đứng phía sau

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) bày tỏ lo ngại tình trạng người người làm báo, nhà nhà làm báo, làm kênh riêng đưa lên mạng để bán hàng. Nhiều nội dung giật gân khiến người xem bức xúc, quảng cáo sai sự thật… Bà cũng đề nghị có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này và nâng cao vai trò của báo chí cách mạng.

Bộ trưởng TT-TT: Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre)

ẢNH: GIA HÂN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề của báo chí". Lý do mạng xã hội có hàng chục triệu phóng viên không mất tiền ở khắp mọi nơi.

"Báo chí nhiều năm nay tập trung vào đưa tin, thì mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn. Báo chí muốn giữ trận địa phải làm khác mạng xã hội. Phải quay về với các giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình. Thay vì đưa tin, thì phân tích đánh giá. Thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Trước đây, báo chí trong không gian thực là lực lượng chủ đạo. Nay trong không gian mạng thì báo chí phải định hướng được dòng chảy chính. Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội Nhà báo cũng xác định đây là định hướng chính với quản lý báo chí.

Theo đó, báo chí cần quay về giá trị cốt lõi, sử dụng công nghệ của mạng xã hội để tương tác 2 chiều, quảng cáo đúng đối tượng và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện, là nền tảng để phổ cập báo chí tốt hơn.

Bộ trưởng TT-TT: Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí- Ảnh 2.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Thị Yên

ẢNH: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí

Thông tin thêm về giải pháp để đẩy mạnh vai trò của báo chí cách mạng theo đề nghị của đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng ban công tác đại biểu, ông Hùng cho hay hiện có 880 cơ quan báo chí. Số lượng tăng, nguồn thu giảm thì ứng xử thế nào?

Theo ông, trong chỉ thị Chính phủ ban hành, đã yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là của mình, có ngân sách hàng năm để chi cho báo chí.

Khi sửa luật Báo chí sắp tới sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép một số cơ quan báo chí được kinh doanh về nội dung, xoay quanh lĩnh vực truyền thông. Mô hình này theo ông, học từ Trung Quốc.

"Nếu báo chí cứ chạy theo mạng xã hội sẽ đứng phía sau. Điểm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, sử dụng nền tảng công nghệ để lấy lại bạn đọc", Bộ trưởng Hùng nêu.

Quy hoạch báo chí có nội dung quan trọng là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để thành sức mạnh truyền thông, tạo cơ chế đặc biệt. Theo ông, sắp tới khi sửa luật Báo chí, sẽ trình Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng TT-TT: Sẽ trình cơ chế đặc thù cho báo chí- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

ẢNH: GIA HÂN

80% quảng cáo trực tuyến rơi vào mạng xã hội

Đặt câu hỏi với trưởng ngành TT-TT, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên vừa qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến xa rời khỏi tôn chỉ mục đích?

Báo chí ngày càng cạnh tranh với không gian mạng nên nguồn thu sụt giảm đáng kể, tạo áp lực lớn với kinh tế báo chí. Cho rằng điều này có thể nảy sinh ra tiêu cực, ông đề nghị Bộ trưởng Hùng cho biết nguyên nhân và giải pháp cho sự cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2018 khi ông về làm bộ trưởng có đọc một báo cáo đánh giá uy tín nghề nghiệp, phóng viên xếp thứ 9/10, thứ 10 là những người bán bất động sản online.

"Điều này cho thấy tư cách đạo đức phóng viên rất được quan tâm. Năm 2022 cũng khảo sát tương tự với 10 ngành nghề, theo đánh giá thì phóng viên xếp thứ 3 sau giáo viên", ông Hùng nói.

Đặc biệt, 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí, nay rơi vào mạng xã hội. nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm đáng kể. Do đó, Thủ tướng đã ra chỉ thị về truyền thông chính sách, yêu cầu chính quyền các cấp phải tăng cường về truyền thông chính sách, tạo nguồn thu cho báo chí.

Cạnh đó, báo chí đang kém mạng xã hội về công nghệ, do đó Chiến lược chuyển đổi số quốc gia sẽ triển khai để nâng cấp nền tảng công nghệ báo chí bằng mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng TT-TT, quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm nghề. Thu nhập của các cơ quan báo chí ở mức khá so với công chức, nhiều cơ quan có mức thu nhập bình quân 15 - 20 triệu đồng/người, cao hơn công chức, viên chức dù thấp hơn các doanh nghiệp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.