Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Phòng, chống bạo lực gia đình và luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng |
gia hân |
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, hiện nay, bạo lực rất đa dạng, có thể là bạo lực của cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ già, chồng với vợ, đồng thời cũng không loại trừ trường hợp bạo lực của vợ với chồng.
"Tôi vừa mới xem clip trưa nay là người phụ nữ đập chồng không còn ra gì hết. Ông chồng chỉ biết ôm đầu bỏ chạy", đại biểu An Giang chia sẻ.
Theo đại biểu Sinh, có thể khái quát hành vi bạo lực thể xác và bạo lực bằng tinh thần. Bạo lực thể xác thì có thể có dấu vết có thể chứng minh được nhưng bạo lực tinh thần gây ra khủng hoảng cho những người bị bạo hành rất lớn.
Từ đó, đại biểu Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình.
"Tôi lướt ngang xem thì chắc chưa đủ đâu, còn nhiều lắm. Nhiều dạng khó nói được. Ví dụ hành vi bạo lực tinh thần. Hai vợ chồng không có con vì lý do nào đó, người chồng không ly hôn hay rời bỏ mà vẫn ở vợ, nhưng tối ngày đi nhậu với bạn để giải buồn, để vợ ở nhà, đó có phải hành vi bạo lực tinh thần không?", đại biểu Sinh nêu và cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu để bổ sung.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phân tích có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể, nhận thấy rõ tuy nhiên có những hành vi mà "chúng ta không nghĩ nó là hành vi nhưng lại gây ra khủng hoảng về tâm lý, tinh thần" thì đó cũng là bạo lực gia đình.
"Ví dụ khi về nhà chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc là không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc là "giận cá chém thớt" tức là không hành động gì với người bị bạo hành cả nhưng cứ đánh chó, đánh mèo,... lâu dài cũng làm cho thành viên bị tác động sẽ bị khủng hoảng về tâm lý", đại biểu Long An nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, phiên bản dự thảo luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp đã khác "một trời một vực" so với phiên bản đầu tiên trình Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đã bổ sung, nhận diện nhiều hình thức bạo lực gia đình như việc ép buộc con, cháu trong học tập hay việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận để nhận diện rõ hơn vấn đề này.
"Nỗi đau thể xác khủng khiếp lắm, đau đớn tinh thần còn khủng khiếp hơn", Chủ tịch Quốc hội nói.
Nêu ý kiến thảo luận, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, việc nhận diện các hình thức bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế thì dễ nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản.
"Chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói", Bộ trưởng Hùng nêu và cho biết, cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo khi nhận diện các hành vi bạo lực là từ quyền con người được quy định trong Hiến pháp.
Bộ trưởng VH-TT-DL cho biết, cơ quan soạn thảo lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, cần phải khu trú các hành vi lại nếu không sẽ rất khó để làm.
"Hôm trước tôi đi báo cáo trước Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án luật này, chính các anh chị trong thành viên cũng nói chuyện. Bây giờ sức ép của các bà vợ cứ bảo phải đi làm cho có thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia đấy có phải hình thức bạo lực không? Đấy là câu chuyện các anh cũng nói rất là thực", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho rằng, đây cũng là câu chuyện đặt ra để Quốc hội tính và khu trú vấn đề, "chứ như đánh nhau thì ta thấy dễ rồi".
18 hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo luật:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây tổn hại về thể chất, tinh thần;
d) Bỏ mặc không quan tâm, không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc;
đ) Bỏ mặc, bỏ rơi, không quan tâm, không chăm sóc, giáo dục thành viên trong gia đình là trẻ em;
e) Phân biệt giới tính thành viên gia đình khi phân chia tài sản thừa kế;
g) Miệt thị hình thể, giới tính của thành viên gia đình hoặc người sinh con có giới tính không như mong muốn của các thành viên khác trong gia đình;
h) Ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp;
i) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình với nhau;
k) Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ;
l) Cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình;
m) Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật;
n) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
o) Cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
p) Chiếm đoạt, huỷ hoại tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình;
q) Có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ;
r) Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
s) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động, học tập quá sức hoặc ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Bình luận (0)