Bộ trưởng Y tế: Bệnh nhẹ mà nhập viện tuyến cuối dễ bị lây nhiễm thêm bệnh

12/10/2018 13:26 GMT+7

Đánh giá tình hình điều trị khi đang có dịch tay chân miệng, sởi, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trẻ bệnh nhẹ mà cứ cho nằm viện tuyến cuối rất dễ bị lây nhiễm chéo thêm nhiều bệnh và nặng hơn.

Sáng 12.10, Bộ Y tế và UBND TP.HCM triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sởi và sốt xuất huyết (SXH) tại trường học, sau đó đã đi kiểm tra công tác điều trị tại bệnh viện (BV).
[VIDEO] Bộ trưởng Y tế sốt ruột với công tác truyền thông giữa mùa dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng dịch bệnh hiện nay giảm so với 5 - 10 năm trước.
Tuy nhiên, do thời tiết biến đổi, môi trường có vấn đề về di cư, ý thức tiêm chủng nên bệnh dịch có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương như Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ. Miền Nam đang chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, ngập nước; miền Bắc chuyển sang mùa đông nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra nhiều.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong điều kiện các nước trong khu vực tây Thái Bình Dương có gia tăng dịch SXH, TCM và châu Âu gia tăng sởi, theo Bộ trưởng cần làm tốt công tác dự phòng và điều trị giảm tử vong.
Đồng thời, tuyên truyền cho cộng đồng dự phòng không để mắc bệnh, nếu mắc thì giảm lây chéo và giảm tử vong, giảm hoang mang cho người dân.
Bệnh nhẹ nhập viện tuyến cuối rất dễ bị lây chéo
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, về khám chữa bệnh, với người dân, khi thấy con trẻ có dấu hiệu sốt, bỏ ăn… thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chữa bệnh, theo dõi sát. Tại BV, việc tổ chức cấp cứu, sơ cứu tốt nhất là phải lọc bệnh. Bệnh nặng thì phải đưa vào cấp cứu theo dõi thật chặt, từng giờ, từng ngày để xử lý kịp thời.
Đối với bệnh nhiễm, đặc biệt sởi lây rất nhanh thì phải cách ly tuyệt đối.
Bà Tiến kiểm tra kiến thức vệ sinh tay của các cháu học sinh Trường Mầm non Hoàng Yến, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức Duy Tính
Theo Bộ trưởng, hai nguyên tắc là lọc bệnh và cách ly đối với bệnh lây nhiễm, kể cả luồng đi khám bệnh và ngồi chờ khám cũng phải cách ly.
“Bệnh nặng đã đành, bệnh nhẹ cũng cho nhập viện và nằm ra cả hành lang. BV tuyến trên không dùng phương pháp điều trị trong ngày, cho về phòng khám vệ tinh, BV quận huyện. Còn cho bệnh nhẹ nằm BV tuyến trên, một mặt là chật chội, bác sĩ theo dõi có giới hạn vì vừa lo chăm trẻ nặng, vừa chăm trẻ nhẹ. Điều này dễ làm trẻ bệnh nhẹ nhiễm thêm bệnh, không bệnh sởi thì viêm đường hô hấp, viêm màng não mủ, cúm, TCM, lỵ…”, Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.
Bà Tiến đặt vấn đề: "Tại sao mới bệnh nhẹ vào chỗ bệnh nặng làm gì?". Tuyến cuối là nơi điều trị bệnh nặng nhất mà vào đó rất dễ bị lây nhiễm. Chúng ta có bài học cay đắng với mùa dịch sởi ở Hà Nội, bệnh nhi càng vào thì càng nặng, càng tử vong vì lây chéo sởi, nhiễm TCM…
Bộ trưởng Y tế cho rằng, truyền thông phải làm cho người dân hiểu bệnh nhẹ thì đừng vào BV tuyến cuối vì nơi này toàn những bệnh nặng, mang con đang khỏe mạnh vào đó làm gì? Bác sĩ khám thấy bệnh nhẹ dứt khoát không cho nhập viện. Nếu không sẽ rối vì bác sĩ không có nhiều, máy móc, máy thở, máy bơm dịch không đầy đủ, phòng ốc không nhiều, không có không gian cách ly nhiều… Bên cạnh đó, cách ly bệnh không tốt, lây nhiễm chéo nhiều, tỉ lệ dùng kháng sinh tăng, nhiễm khuẩn BV tăng.

"Đừng để trẻ chết vì thiếu hiểu biết"

Về dự phòng, theo Bộ trưởng, muốn phòng bệnh tốt thì phải truyền thông cho người dân làm sao hành động để không mắc bệnh...
Theo Bộ trưởng, mấy hôm nay bà rất sốt ruột về phương thức truyền kiến thức cho người dân. Theo bà, làm sao để người dân có hành vi không bị mắc bệnh chứ không phải có bệnh mới đến cơ sở y tế.
Với TCM, chỉ cần truyền thông đây là bệnh lây qua đường phân miệng, do vi rút, cơ bản là phải vệ sinh tay trẻ em, người chăm sóc trẻ, đồ chơi, nền nhà, ăn uống sạch và đầy đủ.
Về SXH, đơn giản người dân chỉ cần biết muỗi vằn gây bệnh SXH đẻ nơi nước sạch, nên phải lật úp vật chứa nước (bình bông, vỏ xe, lon sữa…), tận gốc của vấn đế là diệt lăng quăng, sau đó là phun thuốc diệt muỗi.
Với bệnh sởi, đã có vắc xin ngừa bệnh hiệu quả nhưng do người dân chưa có ý thức nên không tiêm ngừa dẫn đến mắc bệnh. Do vậy, cần tiêm sởi cho trẻ lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi. Hiện ngành y tế đang tổ chức chiến dịch tiêm vét sởi.
Theo Bộ trưởng, vắc xin sởi không thiếu, đừng để trẻ chết vì thiếu hiểu biết.

Tự chủ BV nên muốn nhiều bệnh nhân

Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân khác khiến BV cho trẻ nhập viện nhiều, đó là cơ chế tự chủ. Theo Bộ trưởng, cơ chế tự chủ là đúng, khi đưa lương vào giá viện phí. Nhưng khi tự chủ tạo điều điện cho BV muốn có nhiều bệnh nhân. Nhưng BV phải đặt lên hàng đầu vì quyền lợi, sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, làm cái gì tốt nhất cho người dân để họ không bị mắc bệnh, khi mắc bệnh thì đến cơ sở y tế gần nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.