Chiều 26.6, thảo luận về dự án luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn xung quanh quy định cho phép kinh doanh thuốc qua hình thức thương mại điện tử và cắt giảm thủ tục hành chính về quảng cáo thuốc.
Không phải thuốc nào cũng được bán trực tuyến
Đại biểu lo ngại sẽ rất khó kiểm soát khi mua bán thuốc trực tuyến, nhất là vấn đề về chất lượng. Thuốc là mặt hàng đặc biệt, nếu không chuẩn sẽ rất nguy hiểm khi người bệnh sử dụng để điều trị.
Tương tự, tình trạng quảng cáo thuốc không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng đang diễn ra tràn lan. Nếu cắt giảm thủ tục hành chính về quảng cáo thuốc, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" như dự thảo sẽ khiến vấn đề càng trầm trọng hơn.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhất là ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, việc kinh doanh, mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, thuốc là loại hàng đặc biệt, vì thế, bên cạnh việc cho phép kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử, dự thảo luật kèm theo nhiều điều kiện chặt chẽ khác.
Bộ trưởng cho hay, quy định này chỉ áp dụng với các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống, tức là vẫn kiểm soát về điều kiện, cơ sở vật chất đã có trong quy định.
Dự thảo luật cũng nêu rõ, chỉ cho phép thuốc không kê đơn mới được kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử, chứ không phải tất cả các loại thuốc, nhằm kiểm soát chất lượng.
Về vấn đề quảng cáo thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo quy định hiện hành, việc quảng cáo chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, nội dung quảng cáo phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp.
Quy trình trên dẫn tới có thêm hoạt động xác nhận nội dung quảng cáo, đồng nghĩa phát sinh thêm thủ tục hành chính. Trong khi đó, tại Quyết định 1661/QĐ-TTg năm 2021, Thủ tướng đã có yêu cầu cắt giảm đối với thủ tục hành chính này.
Dù cắt giảm nhưng bà Lan khẳng định, việc quảng cáo thuốc vẫn phải đúng nội dung đã được cấp phép, đảm bảo theo quy định, "chứ không phải không có xác nhận thì muốn đưa nội dung gì lên cũng được".
Mô hình bệnh tật thay đổi, mục tiêu đặt ra cũng cao hơn
Một nội dung khác được nhiều đại biểu cho ý kiến, đó là xây dựng chính sách để ưu tiên phát triển ngành dược của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngay tại luật Dược năm 2016, các chính sách đã được xây dựng nhằm đảm bảo khả năng tự cung cấp thuốc thiết yếu cho nhu cầu công tác phòng bệnh, chữa bệnh trong nước.
Đến nay, sau thời gian thực hiện, công nghiệp dược của Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Năm 2016, chúng ta có 167 cơ sở sản xuất, đến 2023 tăng lên 238 cơ sở. Sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% về giá trị tiền thuốc sử dụng và gần 70% về số lượng thuốc sử dụng.
Thời điểm hiện tại, sản xuất thuốc trong nước đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thuốc thiết yếu, thuốc cơ bản cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Dù vậy, với mô hình bệnh tật thay đổi, mục tiêu đặt ra cho ngành dược cũng cao hơn, việc xây dựng các quy định để tập trung phát triển lĩnh vực này là đòi hỏi cần thiết.
Theo người đứng đầu ngành y tế, "từ dược liệu để sản xuất ra được thuốc cần cả một quá trình", vì thế cần có sự đồng bộ từ việc phát triển công nghiệp sinh học, công nghiệp hóa chất, chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp…
Có đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định chi tiết hơn về các chính sách, nhưng bà Lan cho rằng, ưu đãi phát triển ngành dược liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, từ luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Đất đai, các quy định của ngành NN-PTNT…
Với hệ thống văn bản "rất dày, rất dài" như vậy, nếu dự thảo luật thể hiện quá chi tiết sẽ dẫn tới chồng chéo các nội dung đã được quy định trong văn bản pháp luật khác.
Do đó, dự thảo đã thiết kế các chính sách ưu đãi doanh nghiệp trong nước liên quan đến chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược, sản phẩm công nghệ cao, vắc xin, thuốc cổ truyền… Thông qua những chính sách này, các cơ quan thẩm quyền sẽ có hướng dẫn, triển khai cụ thể.
Bình luận (0)