Sáng 22.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Dược sửa đổi. Một trong những vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội quản lý giá thuốc.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện, cho rằng dự thảo luật quy định về giá bán buôn thuốc dự kiến, được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.
Tuy nhiên, theo bà Hà, việc dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc hoặc sản xuất thuốc xác định, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo, có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc.
"Ví dụ trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao", bà Hà phân tích.
Bộ trưởng Bộ Y Tế Đào Hồng Lan : Sẽ dần quản lý được giá thuốc
Theo Phó trưởng ban Dân nguyện, dự luật quy định khi tiếp nhận hồ sơ công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành.
Cạnh đó, dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. "Vậy một câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?", bà Hà nêu vấn đề và cho rằng khi quản lý về giá thì phải quản lý tất cả các loại thuốc, không giống như quản lý về chuyên môn phải phân biệt kê đơn hay không kê đơn.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, nói người dân sẽ không bao giờ mặc cả về giá thuốc như với các mặt hàng khác, do đó cần có các biện pháp quản lý về giá thuốc.
"Sẽ không quản lý được nếu không kiên quyết với các đơn vị bán thuốc không liên thông giá, không công bố. Đồng thời phải có sự quản lý, giám sát, chế tài chặt chẽ", ông Hoàng đề nghị.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng đang thiếu cơ chế quản lý các tầng nấc trung gian trong phân phối và bán thuốc.
"Một công ty với cả ngàn đơn vị phân phối và nhà thuốc bán lẻ nhưng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, còn vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu như trước đây", bà Phong Lan nói và cho rằng đây là một thất bại của luật Dược năm 2016.
Theo bà Phong Lan, Nhà nước muốn quản lý giá thuốc nhưng không quy định được một viên thuốc được qua bao nhiều tầng nấc trung gian, tỷ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu.
"Hiện nay, chúng ta mới chỉ trông đợi người ta tự nguyện kê khai thì giá đó không thể nói được. Việc lập lại trật tự cũ sẽ rất khó khăn", bà Lan nhìn nhận và cho rằng nhiều bất cập trong thực tế quản lý dược phẩm và thuốc chưa được khắc phục tại dự thảo luật, nếu để nguyên như dự thảo trình Quốc hội thông qua "sau này chúng ta sẽ phải trả giá".
Sẽ dần quản lý được giá thuốc
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt cho nên việc quản lý giá thuốc cũng rất quan trọng.
"Chúng ta đã nghe thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ? Chúng ta quản lý như vậy từ 2016 (khi ban hành luật Dược) mà họ còn tăng. Nếu không biện pháp quản lý thì thả gà ra đuổi", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Y tế cho hay, luật Dược 2016 đã quy định các nội dung liên quan quản lý giá thuốc bán buôn và đến nay bộ này đánh giá là "rất hiệu quả".
Theo bà Đào Hồng Lan, khi chỉnh lý nội dung này tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, đổi thành biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến như hiện nay để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại.
"Chúng ta phải dùng giải pháp này để quản lý và giải pháp này đã được thực hiện từ 2016 tới nay", bà Đào Hồng Lan khẳng định và cho biết các quy định này góp phần quản lý giá thuốc của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định.
"Nói chung, qua biện pháp này chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh có những cái tăng giá đột biến trên thị trường", bà Lan chốt lại.
Bình luận (0)