Bộ trưởng Y tế kiểm tra phòng chống sởi tại TP.HCM: 'Tiêm nhầm hơn bỏ sót'

09/03/2019 15:47 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt vấn đề vì sao tiêm chủng vắc xin ngừa sởi tại TP.HCM mũi 1 đạt trên 95% và mũi 2 là 85%, nhưng vì sao sởi vẫn tăng?

[VIDEO] Bộ trưởng Y tế nói về việc chống sởi: “Kinh tế không có nhưng phải lo cho dân”
Trước tình hình 2 tháng đầu năm 2019 bệnh sởi tăng cao tại TP.HCM với hơn 2.634 ca (cả năm 2018 chỉ 1.693 ca), sáng 9.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát công tác phòng chống bệnh sởi tại Trạm Y tế P.15 (Q.8), Bệnh viện Nhi đồng 1 và Sở Y tế TP.HCM, với sự tham gia của lãnh đạo UBND các quận, huyện.
dich_soi_bung_phat
Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ẢNH: DUY TÍNH

Dùng nhiều biện pháp mạnh để dân tiêm sởi

Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, lý giải việc quản lý dân cư, nhất là nguồn dân di cư biến động là rất khó. Thứ 2 là phần mềm tiêm chủng, khi các phường, xã cập nhật thông tin lên thì gần 30% trẻ không thể tiếp cận được vì địa chỉ sai, điện thoại không liên lạc được… Hàng năm có đến 4 - 5% trẻ chưa tiêm chủng mũi 1, cứ 4 - 5 năm như vậy thì số trẻ chưa tiêm là rất lớn, khả năng mắc bệnh rất cao. Đây cũng chính là lỗ hổng mà năm 2019 ngành y tế TP.HCM phải "vá".
Mặc khác, tiêm chủng mở rộng mũi sởi 1 là 9 tháng, mũi 2 là 18 tháng; trong khi đó nhiều phụ huynh cho con tiêm chủng dịch vụ thì chờ đến 12 tháng tuổi mới tiêm và được hẹn 3 - 4 năm sau mới tiêm lại mũi 2, như vậy trẻ mất cơ hội tiêm mũi 2 sớm và dễ mắc bệnh sởi. Sở Y tế TP.HCM đã gởi công văn yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ cung ứng vắc xin sởi đơn tiêm lúc 9 và 18 tháng tuổi cho trẻ.
Giải pháp của TP.HCM là phối hợp khu công nghiệp, khu chế xuất tạo điều kiện cho công nhân có ngày nghỉ đưa con đi tiêm sởi; các phường, xã phải tăng tiêm hàng tuần; tiêm ngừa sởi cho trẻ (nhập viện do các bệnh khác) trước khi xuất viện. UBND quận, huyện phải chỉ đạo Phòng GD-ĐT kết hợp các ban ngành, đặc biệt là các trường mầm non để nắm số trẻ tiêm hay chưa tiêm vắc xin sởi, nếu không làm là trách nhiệm của Phòng GD-ĐT. Còn nhóm trẻ gia đình thì tổ dân phố phải kiểm tra, để trẻ nào chưa tiêm thì phải tiêm, phải cố gắng thuyết phục. Trường học nào không phối hợp với chính quyền địa phương, y tế thì báo cáo UBND quận, huyện chỉ đạo.
Vế mặt chính quyền, đại diện UBND Q.Bình Tân khẳng định dịch bệnh tại quận này tăng, do đó, nếu đến tháng 3, trường nào không đảo bảm phòng chống dịch, tiêm chủng thì xem xét trách nhiệm trừ phụ cấp, khen thưởng. Còn trường tư thục thì sẽ bị quận xem xét rút giấy phép.
PGS - TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TP.HCM, nếu đơn vị tiêm chủng dịch vụ nào không thực hiện tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ theo đúng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia thì xem xét rút giấy phép.

“Tiêm nhầm hơn bỏ sót”

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân số 1 khiến bệnh sởi bùng phát là do bố mẹ ngày xưa không tiêm ngừa sởi cho con gái. Sau đó, con gái lớn lên, có con rồi mắc sởi và lây cho con, cháu… Một nguyên nhân nữa là tiêm không đúng lịch. "Bây giờ “tiêm nhầm còn hơn bỏ sót” cho trẻ từ 1- 5 tuổi. Chính quyền phải lo cho dân. Xem xét kỷ luật chính quyền và y tế địa phương nếu nơi nào để xảy ra dịch sởi", Bộ trưởng Y tế nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, phải truy được trẻ mắc sởi nằm trong độ tuổi tiêm sởi mà vì sao chưa tiêm. Nếu lỗi về ai thì phải nhận để đưa ra truyền thông cho đúng.
dich_soi_bung_phat
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhi ẢNH: DUY TÍNH
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo những phường có ca mắc bệnh sởi cao thì phải tiêm hàng tuần chứ không phải 2 lần/tháng, phải tạo cơ hội cho trẻ có thời gian tiêm càng nhiều càng tốt; tiêm ở dịch vụ, nhà trẻ - mẫu giáo, bệnh viện, tiêm lưu động. Muốn vậy, truyền thông phải đi trước 1 bước, truyền thông đại chúng, mạng xã hội và trực tiếp đến từng nhà. Về truyền thông phải làm thông điệp ngắn ngọn, tiêm chủng là trách nhiệm của gia đình, để xảy ra sởi là trách nhiệm của cha mẹ…
Theo Bộ trưởng, tiếp đến là phải nắm đối tượng. "Có thật tỷ lệ tiêm đạt 85% hoặc 95%? Chỉ sợ còn sót nhiều! Đối tượng từ tổ dân phố phải nắm. Thành phố phải hướng dẫn điều tra đối tượng thật tốt", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói thêm.
"Thêm nữa, các bệnh viện phải cách ly bệnh nhân từ khi đến khám bệnh, nằm điều trị và cả trong khu vực hồi sức tích cực", Bộ trưởng Y tế đề nghị. 

Cần chống lại "Anti vắc xin"

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng mấu chốt là tiêm chủng cho trẻ em để tạo miễn dịch cộng đồng và cắt đứt đường lây truyền.
Giải pháp phòng chống sởi là phải giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng; chống lây nhiễm tại các bệnh viện điều trị; tiêm ngừa sởi cho cán bộ y tế. Còn tại khu công nghiệp, khu chế xuất thì vận động công nhân đi tiêm, chính quyền có thể bỏ kinh phí. Với thành phần do dự không tiêm, làm thế nào chặn bớt các trang website "Anti vắc xin" (tạm dịch Chống vắc xin).
Các chuyên gia khác cũng đề nghị ngành y tế cần quan tâm đến mạng xã hội, lập nhóm để đưa thông tin truyên truyền bệnh sởi. Dùng chuyên gia ngành y phản bác lại các nhóm "Anti vắc xin".
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu đề xuất tiêm cho những trẻ chống chỉ định tiêm trước đây như bệnh tim, để giảm sốc trẻ mắc và tử vong, nhưng phải tiêm ở bệnh viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.