Bộ trưởng y tế 'vi hành' phát hiện hàng loạt sai phạm tại các phòng khám

28/04/2017 08:49 GMT+7

Sáng 27.4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thực tế trực tiếp kiểm tra 3 phòng khám đa khoa (PKĐK) tư nhân ở TP.HCM:

Raffles Medical (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3), MaYo (đường 3 Tháng 2, Q.10) và PKĐK Nguyễn Trãi (277 Nguyễn Trãi, Q.1).
Tại PKĐK Raffles Medical, đoàn kiểm tra phát hiện 3 sai phạm: đơn thuốc ngoại trú, một số hồ sơ bệnh án không đúng quy định; quảng cáo chưa được xác nhận nội dung. Tại PKĐK MaYo, có 5 sai phạm: bảng hiệu không đúng nội dung xin phép; đơn thuốc ngoại trú sai quy định; không đăng ký danh sách người nước ngoài, người phiên dịch tham gia khám, chữa bệnh; quảng cáo chưa được xác nhận nội dung.

Tại PKĐK Nguyễn Trãi, Bộ trưởng liên tục “tra hỏi” sổ khám bệnh, bệnh án cũng như người hành nghề đi đâu mà nhìn đâu cũng thấy trống trơn? PK báo cáo có 5 bác sĩ VN và 2 bác sĩ người Trung Quốc, chủ yếu chữa trĩ và các bệnh xã hội. Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù trong giờ làm việc nhưng một số bác sĩ không có mặt. PK này có đến 6 sai phạm: đơn thuốc ngoại trú không đúng; hồ sơ bệnh án không đầy đủ thông tin (không có chỉ định điều trị, xử trí với người bệnh); kết quả xét nghiệm, kết quả siêu âm không có chữ ký của người thực hiện. Người thực hiện siêu âm và bác sĩ có tên trên phiếu siêu âm là 2 cá nhân khác nhau; không báo cơ quan chức năng về việc bổ sung, điều chỉnh nhân sự; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép.
Phải xử lý nghiêm
Chiều cùng ngày, làm việc với UBND TP về công tác quản lý y tế trên địa bàn, Bộ trưởng Y tế nói: “Tôi kiểm tra PKĐK ở TP.HCM cho thấy PK toàn chẩn ngoại khoa, toàn mổ vá bao quy đầu; chữa bệnh da liễu, giang mai, lấy tiền người bệnh từ 25 - 33 triệu đồng/người”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết hiện ở TP có 47 bệnh viện tư, 196 PKĐK, 21 PK có yếu tố nước ngoài (trong đó 12 PK có bác sĩ Trung Quốc). Năm 2016, qua kiểm tra 143 PKĐK thì phát hiện 43 PK vi phạm, tước giấy phép hoạt động 4 PK. Ông Bỉnh cho rằng, sai phạm ở các PKĐK có yếu tố nước ngoài là phiên dịch "vẽ bệnh", hù bệnh nhân; chỉ định điều trị không phù hợp với chẩn đoán; bác sĩ chịu trách nhiệm PK không kiểm soát được chuyên môn. Ngoài ra, các PK còn đối phó với đoàn kiểm tra bằng rất nhiều cách: gắn các thiết bị theo dõi, báo động từ xa; trì hoãn, kéo dài để bác sĩ và nhân viên tìm cách đối phó; hồ sơ sơ sài, không ghi tiếng Việt.
Theo Sở Y tế, năm 2016, kiểm tra 14 PKĐK có yếu tố nước ngoài thì 100% PK có vi phạm, tước phép 2 PK.
3 tháng đầu năm 2017, kiểm tra 7 PKĐK có yếu tố nước ngoài thì 6 PK vi phạm và 1 PK bị đình chỉ hoạt động.
Theo Bộ trưởng Tiến, đối với các PK sai phạm cần buộc ngừng hoạt động không thời hạn cho đến khi chấn chỉnh nhân lực, cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh đảm bảo đầy đủ các điều kiện mới cho hoạt động. Bộ trưởng Tiến đề nghị sau cuộc họp này, UBND TP cần chỉ đạo UBND các quận huyện chịu trách nhiệm quản lý hành nghề trên địa bàn; UBND phường và lực lượng tại chỗ giám sát để đảm bảo thực hiện nghiêm minh, tránh trường hợp từng có PK đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn hành nghề để rồi gây chết người. Với những PK có yếu tố nước ngoài sai phạm cũng cần phải xử lý thật nghiêm.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu chỉ đạo UBND các quận huyện không được xem quản lý y tế tư nhân trên địa bàn các quận huyện là trách nhiệm của Sở Y tế TP. Địa phương cần phối hợp, kiểm tra, giám sát và phát hiện các tổ chức y tế tư nhân sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.