Bộ TT-TT điểm tên 5 chiêu trò lừa đảo dịp tết Nguyên đán 2024

31/01/2024 14:41 GMT+7

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, lợi dụng lòng tin và tâm lý ham rẻ của nhiều người, các đối tượng đã tung ra nhiều chiêu trò lừa đảo khiến không ít người sập bẫy với các chương trình vé xe, vé máy bay tết giá rẻ, khuyến mãi tết, việc làm thời vụ lương cao...

Ngày 31.1, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã thông tin về 5 chiêu trò lừa đảo phổ biến trên không gian mạng trong dịp tết Nguyên đán 2024 nhằm bảo vệ người dân khỏi những rủi ro không đáng có; đồng thời cung cấp thêm về dấu hiệu nhận biết, hình thức thực hiện và biện pháp phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng.

Bộ TT-TT điểm tên 5 chiêu trò lừa đảo dịp tết Nguyên đán 2024- Ảnh 1.

Bộ Công an cảnh báo lừa đảo việc làm online

THU HẰNG

Chiêu lừa mua vé máy bay giá rẻ dịp tết

Nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng mạnh vào dịp giáp tết, dẫn đến việc các chuyến bay có thể hết chỗ sớm hơn dự kiến. Không ít hành khách gặp các vướng mắc khi mua vé qua trung gian, trực tuyến dễ dẫn đến bị lừa đảo bằng nhiều hình thức.

Theo Cục An toàn thông tin (ATTT), chiêu trò lừa đảo của các đối tượng chủ yếu là mạo danh đại lý bán vé máy bay; tự tạo ra các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức.

Cạnh đó, các đối tượng này đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo.

Đáng chú ý, các đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch; đồng thời đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30 - 50% giá trị vé) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn.

Nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.

Cục ATTT khuyến cáo, người dân cần đặc biệt tỉnh táo với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn.

Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài.

Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay.

Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Lừa đảo việc làm thêm cận tết

Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm thêm thu nhập vào dịp tết, nhiều người bị "sập bẫy" chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn.

Cục ATTT cho hay, dấu hiệu dễ nhận biết của những bài đăng này là tuyển người lao động làm việc thời vụ với lời hứa hẹn: việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà, không phải đặt cọc tiền... cùng các công việc như chốt đơn trực tuyến, mẫu chụp áo dài ngày tết, gấp lì xì, cộng tác viên tăng tương tác bán hàng, dịch thuật hay lồng tiếng thu âm cho các chương trình cuối năm…

Các chuyên gia ATTT đã nhiều lần cảnh báo, người dân có nhu cầu tìm việc nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống của họ.

Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.

Giả cán bộ công an, luật sư hỗ trợ lấy lại tiền đã mất

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh các lãnh đạo, cán bộ thuộc cơ quan chức năng, văn phòng luật cung cấp dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên chủ yếu là đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo, mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ an ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa, cam kết lấy lại được tiền với thủ tục nhanh chóng, hiệu quả, thủ tục đơn giản hơn nhiều so với việc đến cơ quan công an trình báo.

Cục ATTT khuyến cáo, trong trường hợp nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai.

Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.

Lừa đảo vay tiền qua app tín dụng đen

Các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội có thể cung cấp dịch vụ vay tiền nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên theo Cục ATTT, người dân hãy cẩn trọng với các khoản lãi suất cao và các điều khoản vay không rõ ràng. Nếu không rất có thể người dân sẽ rơi vào tình trạng nợ nần và mất tài sản.

Bộ TT-TT điểm tên 5 chiêu trò lừa đảo dịp tết Nguyên đán 2024- Ảnh 2.

Cảnh báo sinh viên tránh xa tín dụng đen của một trường đại học tại TP.HCM

CHỤP MÀN HÌNH

Chỉ ra chiêu trò lừa đảo, Cục ATTT cho hay, các app tín dụng đen đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay không cần tài sản thế chấp. Nhưng trên thực tế, đây là hình thức vay nhanh, thanh toán ngắn trong vòng 7 - 10 ngày với lãi suất rất cao.

Thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…

Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMDN hoặc CCCD.

Cục ATTT khuyến cáo, người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp.

Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Lừa đảo nhận quà trúng thưởng dịp tết

Không phải là chiêu trò mới, nhưng hình thức "nhận quà trúng thưởng" được các đối tượng lừa đảo thiên biến theo nhiều cách thức khác nhau.

Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại, mạo danh các công ty có thương hiệu và uy tín để thông báo về các chương trình khuyến mãi, tri ân tặng quà dịp tết hay thông báo khách hàng đã trúng thưởng các phần quà có giá trị cao.

Một hình thức khác được các đối tượng lừa đảo hay dùng là mua hàng để nhận mã trúng thưởng và nhắn tin trúng thưởng qua Facebook với nội dung tương tự: "Xin chúc mừng tài khoản messenger… đã may mắn nhận được giải nhất, giải đặc biệt từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng…".

Cục ATTT khuyến cáo không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh được danh tính; không truy cập vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng lạ.

Cần tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu và xác minh.

Liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như sở công thương hoặc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời về chương trình khuyến mãi, trao thưởng mà bên kia cung cấp bởi các chương trình khuyến mãi, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.