Bộ Quốc phòng hai nước Ấn Độ và Úc hôm qua 3.11 phát đi thông báo khai mạc cuộc tập trận Malabar năm 2020. Theo truyền thông Ấn Độ, cuộc tập trận năm nay diễn ra với 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ ngày 3 - 6.11 ở khu vực vịnh Bengal, giai đoạn 2 từ ngày 17 - 20.11 ở vùng biển Ả Rập.
Cuộc tập trận lịch sử
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích năm 2007, cuộc tập trận này có sự tham gia của cả Úc, Nhật Bản và Singapore, nhưng rồi sau đó Úc không còn tham gia. Sau 13 năm, nay cuộc tập trận mới quy tụ đủ “bộ tứ kim cương”.
Tuy nhiên, theo TS Nagao, việc quy tụ “bộ tứ” lần này không chỉ là “sự hồi sinh” một hoạt động cũ khi xét đến thực tế của năm 2020 và 2007. Cụ thể, vào năm 2007, sau khi bộ tứ cùng với Singapore tập trận Malabar, khái niệm “bộ tứ kim cương” đã được Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo đặt ra. Tuy nhiên, vào thời điểm này thì “nguy cơ Trung Quốc” chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc tại nhiều nước.
Trong bối cảnh như thế, sau khi Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ, và do sự tác động từ chính sách của chính quyền mới ở Úc dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd khi đó dường như khiến Canberra rút khỏi cuộc tập trận Malabar. Có lẽ Úc đã nhận định việc thúc ép Trung Quốc sẽ có nhiều rủi ro hơn là phớt lờ các hành vi của Trung Quốc.
Nhưng năm 2020 đã khác, nhận thức trên đã thay đổi, khi Bắc Kinh có nhiều hành vi đáng lo ngại như lợi dụng đại dịch Covid-19 gây rối với nhiều bên, như gây căng thẳng ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, đe dọa cưỡng bách kinh tế của Úc, leo thang hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngay trước thềm cuộc tập trận, Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thịt bò và rượu vang của Úc. Đến đầu tháng này, Úc tạm ngừng xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc vì lo ngại các quy định mới của Bắc Kinh.
Những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc đang giúp “bộ tứ kim cương” tăng cường hợp tác, nên cuộc tập trận Malabar lần này mang ý nghĩa lịch sử với nhóm khi cùng chia sẻ các lo ngại trước Bắc Kinh.
Ý nghĩa thực chiến cao
Tham dự cuộc tập trận có hộ tống hạm HMAS Ballarat mang theo trực thăng đa nhiệm MH-60 (Úc), khu trục hạm USS John S.McCain (Mỹ), khu trục hạm JS Ōnami chở trực thăng đa nhiệm SH-60 (Nhật) và phía chủ nhà Ấn Độ có tàu khu trục INS Ranvijay, tàu hộ tống INS Shivalik, tàu tuần tra INS Sukanya, tàu hậu cần INS Shakti và tàu ngầm INS Sindhuraj, máy bay săn ngầm P-8I, máy bay tuần tra biển Dornier...
TS Nagao nhận định các loại khí tài trên nhiều khả năng sẽ phối hợp tập trận chống tàu ngầm. Nhiều năm qua, hải quân Ấn Độ phát triển rất nhiều về tên lửa, nhưng khả năng tác chiến chống tàu ngầm chưa được củng cố nhiều. Trong khi đó, tàu ngầm Trung Quốc là mối lo lớn đối với các tàu chiến của “bộ tứ kim cương” khi hoạt động ở vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc cuộc tập trận diễn ra đến 2 giai đoạn ở 2 vùng biển cũng góp phần cho thấy “bộ tứ” hướng đến việc tập luyện và phối hợp mang tính thực chất rất cao. Chính vì thế, cuộc tập trận lần này không chỉ mang ý nghĩa quan trọng mà còn là bước tiến về phối hợp tác chiến của “bộ tứ kim cương”.
Được tổ chức lần đầu vào năm 1992, tập trận Malabar ban đầu chỉ bao gồm Mỹ và Ấn Độ. Từ năm 1992 - 1998, tập trận Malabar diễn ra 3 lần rồi sau đó bị Washington đình chỉ do New Delhi thử vũ khí hạt nhân.
Đến năm 2002, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11.9, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush đã thay đổi nhiều chính sách đối ngoại, nối lại tập trận Malabar.
Năm 2007, cuộc tập trận này có sự tham gia của cả Úc, Nhật Bản và Singapore, nhưng rồi Úc không tham gia các lần tiếp theo.
Sau năm 2007, Nhật Bản tham gia thêm một số cuộc tập trận Malabar và từ năm 2015 thì Tokyo mới điều động tàu chiến tham gia đầy đủ cuộc tập trận thường niên này.
|
Bình luận (0)