Bộ Tư pháp lên tiếng về luật sư làm chứng mua bán nhà đất

05/12/2024 07:59 GMT+7

Luật sư có thể làm chứng với tư cách cá nhân nếu không thuộc trường hợp pháp luật cấm; một số giao dịch về nhà đất bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Sở Tư pháp yêu cầu luật sư chấm dứt làm chứng

Trong thời gian vừa qua, Báo Thanh Niên có nhiều loạt bài phản ánh về việc vụ luật sư làm chứng mua bán nhà đất bằng giấy tay, gây ra chuyện một thửa đất bị bán cho nhiều người, do đó Công an tỉnh Đồng Nai và Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị xử lý luật sư.

Người dân nếu hạn chế về kiến thức pháp luật, hoặc nếu không chú ý thì dễ bị ngộ nhận giao dịch mua bán nhà đất có luật sư làm chứng cũng có giá trị pháp lý như hợp đồng mua bán công chứng của công chứng viên. Vì thế đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lấy một thửa đất bán giấy tay cho hai người khác nhau.

Bộ Tư pháp lên tiếng về luật sư làm chứng mua bán nhà đất- Ảnh 1.

Sở Tư pháp TP.HCM yêu cầu luật sư chấm dứt việc làm chứng trong mua bán nhà đất trái với quy định khi chưa có giấy chứng nhận

ẢNH: NHẬT THỊNH

Sau đó, Sở Tư pháp TP.HCM đã vào cuộc, phát hiện một công ty luật và một luật sư đã chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản không đúng thẩm quyền và làm chứng, chứng nhận chữ ký có nội dung trái quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản khi chưa có giấy chứng nhận.

Vì thế, Sở Tư pháp đã yêu cầu công ty luật và luật sư chấm dứt ngay hành vi vi phạm nói trên. Cơ quan này còn kiến nghị Đoàn luật sư TP.HCM xem xét, xử lý vi phạm của luật sư. Đồng thời, Sở Tư pháp còn có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị hướng dẫn thêm nghiệp vụ.

Luật sư có thể làm chứng trong trường hợp nào?

Theo đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến về vấn đề trên. Cụ thể, tại điều 4 và điều 30 luật Luật sư, phạm vi hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư bao gồm công việc "xác nhận giấy tờ, các giao dịch" và không có quy định cụ thể hoạt động làm chứng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp: "Luật sư có thể là người làm chứng với tư cách cá nhân nếu không thuộc trường hợp cụ thể mà pháp luật có quy định cấm làm chứng".

Việc ký kết, thực hiện giao dịch và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là nhà đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Bộ Tư pháp lên tiếng về luật sư làm chứng mua bán nhà đất- Ảnh 2.

Mua bán nhà đất phải qua công chứng, chứng thực để tránh rủi ro lừa đảo

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo quy định của các luật trên, thì cơ bản giao dịch về đất đai, nhà ở không bắt buộc có người làm chứng, trừ một số trường hợp đặc biệt như di chúc bằng văn bản có người làm chứng (điều 634 của bộ luật Dân sự) mà nội dung có liên quan đến đất đai, nhà ở).

Khi xác lập, thực hiện các giao dịch về đất đai, nhà ở, các bên có thể mời người làm chứng, trừ trường hợp pháp luật cấm. Bên cạnh đó, pháp luật có các quy định về công chứng, chứng thực bắt buộc đối với một số giao dịch về đất đai, nhà ở.

Luật sư thực hiện công việc thông qua giấy ủy quyền sao cho đúng?

Theo Bộ Tư pháp, căn cứ khoản 1 điều 26 luật Luật sư, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có hợp đồng lao động, việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng là yêu cầu bắt buộc.

Do đó, giấy ủy quyền, hoặc hợp đồng ủy quyền không thay thế cho hợp đồng dịch vụ pháp lý khi luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện công việc theo yêu cầu của khách hàng.

Mặt khác, pháp luật không cấm việc khách hàng và luật sư lập giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền dựa trên hợp đồng dịch vụ pháp lý để thực hiện công việc liên quan trong hợp đồng đó. Do vậy, có thể lập văn bản ủy quyền và đảm bảo phù hợp với mục đích, nội dung của hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký.

Trường hợp chỉ lập hợp đồng ủy quyền, hoặc giấy ủy quyền để thực hiện công việc mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý, thì phải căn cứ vào hồ sơ vụ việc cụ thể để xác định có phải là cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư hay không.

"Trong trường hợp người được ủy quyền thực hiện công việc với tư cách cá nhân, thì không xưng danh là luật sư, và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến công việc được ủy quyền", Bộ Tư pháp phân tích.

Mua bán nhà đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực

Ông Lê Ngọc Tình, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM, cho biết: Để tránh rủi ro, khi giao dịch về mua bán nhà đất, người dân cần phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà đất (thường gọi là "sổ hồng", "sổ đỏ") không bị tranh chấp, khiếu kiện, không bị kê biên bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong thời hạn sử dụng đất, thời hạn sở hữu nhà.

Ngoài ra, theo khoản 3 điều 27 luật Đất đai năm 2024, điều 164 luật Nhà ở năm 2023, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất là những hợp đồng bắt buộc phải được công chứng, hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Riêng tại TP.HCM từ năm 2011, việc chứng thực này, ngoại trừ di chúc, chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng.

Sau khi hợp đồng được công chứng, trong thời hạn 10 ngày phải làm thủ tục kê khai thuế, nộp thuế và trong thời hạn 30 ngày phải làm thủ tục đăng ký sang tên cho người mua, nhận chuyển nhượng (đăng bộ). Chỉ sau khi hoàn tất các thủ tục này thì nhà đất mới xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng.

Việc mua bán bằng giấy tờ tay chỉ có xác nhận của các cá nhân, tổ chức khác không có chức năng công chứng, chứng thực thì không thể làm thủ tục kê khai nộp thuế, đăng ký sang tên, hay để được cấp giấy chứng nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.