‘Bố ung thư, mẹ tâm thần, chồng đi công tác vẫn tình nguyện đi chống dịch’

30/06/2021 17:43 GMT+7

Tại buổi trao tặng quà cho những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 , TS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết có trường hợp "bố ung thư, mẹ tâm thần, chồng đi công tác vẫn tình nguyện đi chống dịch".

Chiều 30.6, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã có buổi gặp mặt, trao tặng quà cho những y bác sĩ, sinh viên tình nguyện tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Tham dự có anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; TS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS Hà Anh Đức cho biết, trong số những cán bộ y tế tham gia tuyến đầu chống dịch có nhiều cán bộ rất khó khăn. “Nhiều đồng chí có hoàn cảnh rất éo le. Có trường hợp bố ung thư, mẹ tâm thần, chồng đi công tác vẫn tình nguyện đi chống dịch”, anh Đức nói.
Theo anh Đức, thực hiện lời kêu gọi của T.Ư Đoàn "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch", Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã kêu gọi nguồn lực ủng hộ những người khó khăn. Qua rà soát giai đoạn đầu, có hơn 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều hoàn cảnh éo le.
“Khi đọc hồ sơ và khi bắt tay làm chúng tôi mới thấy nhiều người rất khó khăn. Trong giai đoạn tới, T.Ư Hội sẽ tiếp tục vận động ủng hộ y bác sĩ, sẽ có nhiều gương tiêu biểu được biểu dương vì dịch lan ra gần hết nước, lực lượng y bác sĩ vất vả. Tìm hiểu mới thấy các anh, các chị rất xứng đáng được biểu dương”, anh Đức bày tỏ.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (áo xanh) trao tặng quà cho những người đại diện của các trường hợp được nhận 

Ảnh Đăng Hải

Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết được sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà hảo tâm, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng 100 suất quà (mỗi suất trị giá 10 triệu đồng) cho 100 cán bộ y tế tuyến đầu có hoàn cảnh khó khăn do Hội, CLB Thầy thuốc trẻ các tỉnh phối hợp với Đoàn Thanh niên đề xuất.
Tại buổi trao tặng, do các y bác sĩ đang ở xa và hầu hết đang ở trong khu cách ly, nên đại diện của 15 người khu vực phía Bắc đã nhận hỗ trợ.

Bản tin Covid-19 ngày 30.6: Thêm 450 bệnh nhân mới, dịch bệnh đã len vào nơi xung yếu

Nhiều hoàn cảnh éo le

Theo khảo sát của T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, trong đợt hỗ trợ này, có rất nhiều y bác sĩ trẻ có hoàn cảnh rất éo le. Đó là chị Lê Thị Luân (31 tuổi), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị. Gia đình chị ở xa, mỗi ngày chị đi làm 60 km. Một mình chị là lao động chính nuôi con nhỏ 5 tuổi. Bố chị bị tai biến hơn 10 năm, mất khả năng lao động, mẹ già yếu. Nhà chị còn có một chị gái bị tàn tật ngồi một chỗ…
Nhưng từ đầu mùa dịch đến nay, chị đã hăng hái tham gia chống dịch. Trong 2 đợt dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh, chị trực tiếp lấy mẫu cùng đội đáp ứng nhanh, tại khu cách ly, cộng đồng và trực tiếp xét nghiệm SAR-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại Quảng Trị.
Anh Lê Hải Nam (25 tuổi), nhân viên Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, có bố mất do lũ lụt miền Trung năm 2020. Gia đình anh có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi có dịch đến nay, anh đã tham gia công tác điều tra, truy vết ca bệnh; giám sát, vận chuyển người thực hiện cách ly phòng chống dịch.
Anh Lê Quang Tiến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, đang trực tiếp truy vết ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Vợ anh là cũng là bác sĩ y học dự phòng cùng khoa, tham gia tại khu cách ly của tỉnh, cả hai vợ chồng cùng tham gia chống dịch, suốt từ khi có dịch đến nay.
Gia đình anh ở tận Thừa Thiên - Huế nên hai vợ chồng phải thuê nhà trọ ở Bình Dương. Trong khi đó vợ chồng anh có con nhỏ 1 tuổi thường xuyên bệnh và phải gửi người chăm sóc.
Chị Vũ Thị Mỳ (32 tuổi), Khoa Thận - lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, có hoàn cảnh éo le. Chồng chị Mỹ không có nghề nghiệp ổn định, hai vợ chồng có 2 con nhỏ, trong đó có bé gái sinh năm 2016 được chuẩn đoán bị bại não, hiện toàn bộ chăm sóc toàn bộ phụ thuộc bố mẹ.
Tuy vậy, chị vẫn tham gia tích cực trong tổ khám phân luồng tại các cổng vào của bệnh viện từ khi dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020. Chị đã có thời gian làm việc trực tiếp lâu dài tại đơn nguyên hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm sóc chu đáo ân cần, toàn diện cho bệnh nhân.
Chị Đỗ Thị Vân (37 tuổi, điều dưỡng viên khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phổi Bắc Giang) là mẹ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ, chưa có nhà ở, đang thuê trọ tại ki ốt chợ Song Mai, TP.Bắc Giang.
Bố mẹ chị Vân già yếu ở quê làm nông. Dù vậy, chị luôn xung phong và đi đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung, tham gia trực tiếp lấy mẫu tại cộng đồng. Hiện, chị trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Trung tâm ICU - Bệnh viện Phổi Bắc Giang. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.