Bộ VH-TT-DL nói gì khi trợ cấp nghệ sĩ khó khăn cho diễn viên Hồng Đăng

01/09/2021 12:50 GMT+7

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho rằng, trường hợp của Hồng Đăng là cá biệt trong việc trợ cấp nghệ sĩ khó khăn vì Covid-19 .

Vụ việc diễn viên Hồng Đăng, Nhà hát kịch Hà Nội, được nhận trợ cấp nghệ sĩ khó khăn vì Covid-19 đang làm dư luận quan tâm tranh cãi.
Về việc này, có ý kiến cho rằng nam nghệ sĩ được nhận trợ cấp là đúng chính sách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nam nghệ sĩ có nhà, có bộ sưu tập xe, nghĩa là có của ăn của để, nên việc trợ cấp khó khăn không đúng đối tượng. Có những nghệ sĩ khác khó khăn hơn nhiều, dù không cùng bậc lương thấp như Hồng Đăng.

Diễn viên Hồng Đăng lên tiếng về việc nghệ sĩ nhận tiền hỗ trợ vì Covid-19

Về điều này, Thứ trưởng phụ trách khối nghệ thuật của Bộ VH-TT-DL, ông Tạ Quang Đông, cho rằng trường hợp của Hồng Đăng, Thanh Hương là cá biệt trong việc trợ cấp nghệ sĩ khó khăn vì Covid-19.
“Chính sách của nhà nước là cho chính sách rộng rãi, trừ những trường hợp ra chính sách mà 99% không đúng, chứ còn có một vài trường hợp không đúng thì cũng chấp nhận được. Tuy nhiên, cái này cũng không phải không đúng mà là có những người làm được tay phải, tay trái thì do tài năng người ta thôi”, ông Đông nhìn nhận.
Về tổng thể, ông Đông cho rằng, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do Covid-19 là chính sách nhân văn. “Nếu người không có thu nhập khác thì người ta cũng rất là khốn khổ. Các nghệ sĩ không phải đối tượng đầu tiên được hưởng trợ cấp khó khăn vì Covid-19 của nhà nước. Đến thời gian này, sau 2 năm mới đến nghệ sĩ, chứ họ cũng không phải đối tượng đầu tiên”, ông nói. 
Cũng theo ông Đông, chính sách trợ cấp nghệ sĩ khó khăn ra đời luôn mang tính phổ quát, tính đại trà, đáp ứng số đông. Tuy nhiên, bất cứ chính sách nào ra cũng có những người được hơn, có người được kém. Nếu đáp ứng được phần lớn thì chính sách có hiệu quả.
“Nghệ sĩ hạng 4 (hạng được nhận trợ cấp) là nơi đặc thù tập trung sức trẻ gọi là chiến lược phát triển lâu dài nhất, những diễn viên mới sẽ thành sao, thành ra không tránh khỏi có sao ở đó. Nhưng, đầu tiên phải nói chính sách chuẩn; đối tượng nhận cũng chuẩn, đáp ứng được việc giữ lại đội ngũ trẻ hướng tới sau khi phục hồi để khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Đông nói.
Mặc dù vậy, với trường hợp trợ cấp nghệ sĩ khó khăn của diễn viên Hồng Đăng, ông Đông cho rằng, Sở VH-TT Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội cũng máy móc khi xét duyệt hồ sơ. Trong đó, có một phần vì Bộ đưa ra yêu cầu về hồ sơ giản tiện quá.
“Hoàn toàn là hồ sơ thấy đủ là cấp luôn chứ không rà kỹ. Mình quen kiểu hành chính quá nặng”, ông Đông thừa nhận.
Trước đó, cư dân mạng cũng cho rằng nghệ sĩ cần có đơn xin hỗ trợ, trường hợp Hồng Đăng, nghệ sĩ này hẳn sẽ không viết đơn khi thấy mình không khó khăn như người khác. 
Còn nhớ, khởi đầu của chính sách hỗ trợ này, Bộ VH-TT-DL đề nghị trợ cấp nghệ sĩ khó khăn cho nhóm giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ hạng 4 trong các đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì đây là nhóm có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), đã lưu ý về việc có những nghệ sĩ từng tuyên bố “không cần công chúng nuôi”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.