Bỏ việc quản lý ngân hàng để làm... than gáo dừa

30/10/2019 07:57 GMT+7

Đang làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng (quê Bình Phước) bỗng rẽ ngoặt sang khởi nghiệp với than gáo dừa.

Cơ hội đến từ một... sự cố

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng đã trải qua 16 năm làm việc tại một ngân hàng ở TP.HCM, trong đó có nhiều năm làm giám đốc chi nhánh. Cái duyên khởi nghiệp với than gáo dừa đến với chị rất ngẫu nhiên. Chị kể: Năm 2014, một nhân viên giao dịch trao đổi bằng tiếng Anh không rõ ý nên có vị khách nước ngoài “làm dữ” ở chi nhánh ngân hàng chị phụ trách. Sự vụ được chị đứng ra giải quyết êm đẹp. Sau thời gian quen biết, vị khách này cho chị Hằng biết ông lấy than gáo dừa của VN và một số nước châu Á rồi bán lại ở vùng Trung Đông. Theo thương gia này, than gáo dừa VN có rất nhiều ưu điểm so với các nước, nhưng ông chưa tìm được nhà sản xuất đủ uy tín. Là người nước ngoài, ông còn gặp khó khăn khi mua bán với người dân bản địa cũng như khi làm thủ tục xuất khẩu… Vì vậy, ông đề nghị chị hợp tác làm ăn.
Ban đầu, chị Hằng không nhận lời vì thấy mình “tay ngang”, chưa hiểu gì về lĩnh vực mới mẻ này. Sau những chuyến đi làm cầu nối giúp vị khách này tiếp cận nguồn hàng, chị Hằng nhận thấy đây là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn.
Năm 2015, chị bước một chân vào thị trường than gáo dừa. Tháng 5.2018, chị từ giã vị trí giám đốc chi nhánh ngân hàng để tập trung lo cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Gia đình Việt Nam, với ngành nghề sản xuất than viên nén từ gáo dừa. Công ty do chị làm giám đốc, cùng sự hợp tác và góp vốn của vị thương gia nói trên.
Khi biết ý định bỏ việc ngân hàng để khởi nghiệp của chị, rất nhiều người bàn ra: “Đang làm giám đốc chi nhánh ngân hàng, mỗi tháng chỉ ký giấy tờ hưởng mấy chục triệu đồng không sướng hơn à, mắc chi lăn xả vô làm than cho cực, kiếm ba cọc ba đồng, có khi còn lỗ?”; “Nếu làm ngon ăn thì dân Bến Tre làm lâu rồi, đâu đến phiên mình?”… Chị Hằng chia sẻ: “Người ta nói cũng hợp lý. Nhưng nếu nghe theo họ là mình bỏ qua cơ hội, không cho mình thử thách. Hơn nữa, hoàn cảnh, năng lực, điều kiện của mỗi người là khác nhau”.
Bỏ việc quản lý ngân hàng  để làm... than gáo dừa

Chị Cẩm Hằng giới thiệu than gáo dừa tại triển lãm bên lề hội nghị “Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019”

NVCC

 

Hãy tham vọng, để đi về phía trước !

Xưởng sản xuất than gáo dừa viên nén của công ty đặt tại xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo, Bình Dương. Chị Hằng đi phăm phăm, giới thiệu cho chúng tôi phòng thí nghiệm, khu xay - nén than, lò sấy, đóng gói… Chị nói: “Công đoạn nào tôi cũng mày mò làm rồi chỉ lại cho người ta. Mình phải nhào vô trước thì công nhân mới nể”.
Theo chị Hằng, những cơ sở trung gian trước đây cung cấp hàng cho đối tác của chị thường dùng keo poly trộn vào than để tạo độ kết dính. Điều này dẫn đến khi đốt than, mùi nhựa cháy bốc lên rất khó chịu. Bên cạnh đó, bà con Bến Tre sấy than theo kiểu thủ công là đốt lửa hoặc phơi nắng, nhiệt độ không đều khiến than dễ bị ẩm và vỡ (về sau chị Hằng khắc phục bằng lò sấy)… Những hạn chế trên làm cho chị Hằng phải nhận “bài học cay đắng” đầu tiên là mất mối làm ăn ở Pháp mà chị nhọc công gầy dựng.

Thân thiện môi trường

Tại hội nghị trình diễn kỹ thuật mô hình sản xuất than viên nén từ gáo dừa của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Gia đình Việt Nam diễn ra ngày 16.11.2018, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, phát biểu: “Sản phẩm mới của công ty là than viên nén làm từ gáo dừa thân thiện môi trường, không phát thải chất độc hại, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, có thị trường xuất khẩu rộng lớn và nhiều tiềm năng, đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội…”. Dịp này, Quỹ khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ 500 triệu đồng để công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng và dây chuyền sản xuất than gáo dừa.
Một trong những điều làm cho chị mất ăn mất ngủ, hạ quyết tâm phải tìm cho ra, đó là chất phụ gia phù hợp trộn vào than. Chất này phải đảm bảo không gây độc hại, có tính kết dính cao.
“Hơn một năm, tôi chạy đôn chạy đáo đi gặp nhiều người, đến các khoa hóa - sinh của trường đại học và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) để tìm hiểu, mỗi nơi cho một lời khuyên. Thấy tôi “mặt dày” đến hoài, một anh ở Quatest 3 hướng dẫn tận tình. Sau nhiều lần mày mò làm thí nghiệm rồi đưa sản phẩm đi kiểm tra, cuối cùng tôi cũng tìm được chất phụ gia ưng ý”, chị kể.
Sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại nhiều thị trường như Dubai, Jordan, Kuwait, Iraq, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ukraine, Úc, Đan Mạch... Chị Hằng tiếp tục cải tiến nhà máy để tăng sản lượng, đáp ứng đơn đặt hàng ngày càng tăng đồng thời tạo việc làm nhiều hơn cho người thân, công nhân địa phương (hiện đã có gần 90 công nhân). Giá 1 kg than gáo dừa khoảng 15.000 đồng (bán sỉ) và 20.000 đồng (bán lẻ), thời gian cháy rất lâu...
Tại triển lãm bên lề hội nghị “Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” do Bộ Ngoại giao VN tổ chức, chị Hằng trực tiếp giới thiệu than gáo dừa với các đại sứ nước ngoài. Nhiều người bảo chị may mắn, có lợi thế về tiếng Anh. Ít ai hay rằng suốt 12 năm phổ thông, chị Hằng không hề được học ngoại ngữ. Trở thành sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chị sợ rớt môn tiếng Anh nên học mọi lúc mọi nơi. Chị tham gia các câu lạc bộ, mạnh dạn đặt câu hỏi trong hội thảo chuyên ngành mà không ngại người khác đánh giá mình “hỏi ngu”. Chị cảm ơn những năm tháng sinh viên khó khăn, đi làm thêm đã cho chị nhiều kỹ năng, sức chịu đựng...
Tự nhận là người bộc trực, xông xáo và tham vọng, chị Hằng cho rằng tham vọng làm cho mình lúc nào cũng cầu tiến, đi về phía trước. Nhưng chị lưu ý tham vọng phải nằm trong khả năng của mình, đừng nên ôm đồm, tham lam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.