Bỏ việc về nhà thêu tay

03/05/2022 14:35 GMT+7

Nghỉ việc văn phòng với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, một bà mẹ trẻ ở TP.HCM vẫn “sống khỏe” nhờ khởi nghiệp với nghề thêu tay tại nhà.

Sau khi sinh con gái, Nguyễn Thị Hồng Thảo (30 tuổi), ngụ P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM đã nghỉ việc văn phòng với mức lương là gần 10 triệu đồng/tháng rồi về nhà hành nghề thêu tay, kinh doanh các mặt hàng "handmade" (làm thủ công).

Thu nhập hiện tại của tôi cũng tương đối cao hơn lúc làm văn phòng

Chúng tôi gặp chị Thảo tại một quán cà phê trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM). Khi đó, chị đang tất bật dạy các học viên của mình về những mũi thêu cơ bản một cách chậm rãi và tỉ mỉ nhưng không kém phần sắc sảo.

Chị Thảo cho hay trước đó chị làm nhân viên văn phòng, công việc nhẹ nhàng, mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng cũng vừa đủ trang trải cuộc sống.

Sản phẩm thêu tay của chị Thảo

T.Đ

Vào giữa năm 2019, chị sinh một bé gái, từ đây chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu, học hỏi cách thêu thùa cũng vì muốn làm vài món đồ “handmade” cho đứa con xinh xắn của mình. Một năm sau đó, chị quyết định… khởi nghiệp với nghề thêu.

Chị Thảo (bên trái) hướng dẫn học viên thêu tay

NVCC

“Tôi đã nghĩ đến việc tự kinh doanh riêng từ rất lâu trước đó, nhưng không biết buôn bán mặt hàng gì, cho đến khi tiếp cận thêu tay được một thời gian thì chợt nhận ra mình yêu thích chúng hồi nào không hay. Và tôi thấy nếu làm việc mình đam mê thì có thể làm tốt nó, lâu dài nên cố gắng đến cùng”, chị nói.

Giữa năm 2020, chị Hồng gác lại công việc văn phòng đã gắn bó suốt 6 năm, ở nhà tập trung cho các sản phẩm thêu tay của mình. Hiện tại những sản phẩm của chị Hồng rất đa dạng, hình dáng độc đáo trên túi xách, ví, nón, balo... Mỗi ngày, chủng loại sản phẩm được bà mẹ 9X làm mới bằng những đường kim mũi chỉ ngày một nhiều hơn.

Những sản phẩm của chị Thảo đều mang dấu ấn cá nhân

T.Đ

Những đường chỉ được thêu bằng tay của chị Thảo đơn giản nhưng tinh tế

T.Đ

Người mẹ một con còn xây dựng trang Facebook có tên là “May Corner”. Ở đó, chị thường xuyên đăng tải những hình ảnh sản phẩm cá nhân, các bài học hướng dẫn thêu tay để mọi người biết đến, cũng như có thể tiếp cận được với khách hàng.

Chị Thảo kể: “Sản phẩm đầu tiên là chiếc túi nhỏ thêu hình hoa hướng dương. Thời điểm đó nhận thêu chỉ là nghề tay trái kiếm thêm thu nhập nhưng thấy vừa thỏa được sở thích thêu tay, vừa có người thích sản phẩm mình làm nên cũng vui lắm”.

Giá trị những sản phẩm thủ công ngày càng được nâng lên

NVCC

Bà mẹ 9X chia sẻ, những sản phẩm thêu của bản thân dành nhiều thời gian thì giá càng cao. Đồng thời, giá trị những sản phẩm thủ công ngày càng được nâng lên.

“Hiện tại giá sản phẩm thêu của tôi tùy vào loại phụ kiện và tùy vào mẫu thêu sẽ dao động từ vài chục ngàn đến dưới 500.000 đồng. Mỗi tháng tôi bán được 20-30 sản phẩm. Cũng tùy vào mẫu thêu, từ vài tiếng đến lâu nhất trước giờ tôi nhận là 2 ngày”, chị nói.

Những sản phẩm của chị Thảo có giá bán từ vài chục đến hàng trăm ngàn

NVCC

Thông qua các kênh quảng bá trực tuyến, chị Thảo cũng nhận được khá nhiều đơn hàng. Đến giờ, bà mẹ 9X này tự tin vẫn “sống khỏe”, sống tốt với đam mê thêu tay của mình. "Thu nhập hiện tại của tôi cũng tương đối cao hơn lúc làm văn phòng, nhưng quan trọng vẫn là bản thân đã chủ động được thời gian để lo việc gia đình", chị Thảo bộc bạch.

Luôn chăm chút từng chi tiết

Thay vì chỉ dừng lại ở việc kinh doanh mặt hàng handmade, chị Thảo còn kiếm thêm tiền triệu mỗi tháng nhờ bán các dụng cụ liên quan đến nghề thêu và mở các lớp dạy học về may vá. Hiện chị mở 4 - 5 buổi dạy thêu/tuần (trung bình có 5 - 6 người học/buổi) với học phí là 250.000 đồng/người/buổi.

Chị Thảo hay mở các lớp dạy thêu tay ở quán cà phê thay vì thuê mặt bằng

T.Đ

"Những buổi dạy thêu tay của tôi diễn ra tại các quán cà phê. Nơi đây không lấy tiền mặt bằng vì khi tôi dạy thì cũng thường xuyên mang khách đến cho quán. Ngược lại, tôi và học viên còn được chiết khấu", chị thông tin thêm.

Theo chị Thảo, sản phẩm handmade nói chung và mặt hàng thêu tay nói riêng đều dành khá nhiều thời gian để cho ra thành phẩm nên rất khó để nhận nhiều hàng cùng lúc. Việc thu hút sự quan tâm khách hàng khi chưa ai biết đến mình cũng là một khó khăn.

Người mẹ 9X cho hay bản thân phải rèn luyện rất nhiều để thêu đẹp và thành thạo rồi mới hướng dẫn người khác thực hành

NVCC

"Để gây dấu ấn cho sản phẩm tôi luôn chăm chút từng chi tiết để nó được đẹp được xinh nhất có thể, và luôn cập nhật để sản phẩm ngày càng đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng", chị nói.

Các em nhỏ cũng đi học thêu tay

NVCC

"Thêu tay hiện nay vẫn là một thị trường tiềm năng vì có tính ứng dụng cao, và các bạn trẻ bây giờ cũng đang dần hướng tới những sản phẩm handmade mộc mạc, mang dấu ấn cá nhân. Thú thật, tôi cũng chưa gọi là quá thành công để dành lời khuyên cho các bạn nhưng tôi thấy dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ cần mình có đam mê và chăm chỉ, tập trung phát triển nó thì sẽ gặt hái được những thành quả ngoài mong đợi", bà mẹ 9X chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.