Bộ Xây dựng vừa phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước giai đoạn 1 tại Tổng công ty Viglacera - công ty cổ phần (VGC). Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ đấu giá công khai số lượng 80,58 triệu cổ phần, tương ứng 17,97% vốn điều lệ Viglacera.
tin liên quan
Chưa phát hiện sai phạm lớn trong cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018Sau đợt thoái vốn này, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 161,41 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ 36% và vẫn nắm quyền phủ quyết tại Viglacera.
Giữa năm 2018, Bộ Xây dựng đã đăng ký bán hơn 80,5 triệu cổ phiếu VGC thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn để giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước. Giá đăng ký bán tối thiểu 26.000 đồng/cổ phiếu nhưng không thành công do giá VGC giao dịch trên sàn thấp hơn.
Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VGC khá tích cực khi tăng một mạch từ vùng 18.000 đồng lên 22.100 đồng. Tuy nhiên mức giá hiện tại của VGC vẫn thấp hơn so với giá khởi điểm chào bán.
Hiện cổ phiếu VGC đang giao dịch trên sàn Hà Nội và dự kiến sẽ chuyển sang sàn TP.HCM trong đầu năm nay. Cuối tháng 2 vừa qua, giao dịch VGC khá đột biến khi nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra toàn bộ 44 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 9,8% vốn) cho nhà đầu tư trong nước.
Viglacera là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (kính, gạch men, thiết bị vệ sinh…). Ngoài ra, Viglacera còn sở hữu quỹ đất lớn tại các khu công nghiệp lên tới hàng nghìn ha. Trong đó, Samsung đang thuê đất tại khu công nghiệp Yên Phong và Đồng Văn của Viglacera. Kết thúc năm 2018, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần gần 9.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 667 tỉ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó.
Bình luận (0)