Bộ Xây dựng: Doanh nghiệp bất động sản khó huy động vốn, khan hiếm nguồn cung

08/11/2022 20:01 GMT+7

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại cuộc họp Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản phía Nam, 9 tháng đầu năm nay doanh nghiệp gặp khó khăn về huy động vốn, khan hiếm nguồn cung .

Bất động sản tiếp tục khó khăn về vốn, nguồn cung

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định, không rơi vào trạng thái đóng băng mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số.

Thị trường bất động sản đang khó khăn về nguồn cung, vốn

lê quân

Sang năm 2022, kinh tế có xu hướng phục hồi, nhưng 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản gặp khó khăn về huy động vốn, khan hiếm về nguồn cung. Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà công nhân đều ít có nguồn cung mới; lượng giao dịch thành công giảm; giá bất động sản chưa giảm sâu, vẫn neo ở mức cao, người dân vẫn khó tiếp cận nhà ở; dư nợ tín dụng giảm; vốn FDI vào bất động sản giảm…

Về hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, dù hoạt động phục hồi dần so với năm 2021 nhưng còn nhiều khó khăn: về thủ tục đầu tư, pháp lý dự án, nhất là chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Đồng thời, việc kiểm soát chặt chẽ của thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến cho phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng cho biết, do khó khăn chồng chất nên nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư, giảm lương, giảm số lượng lao động, dẫn đến nguồn cung bất động sản giảm, cơ cấu sản phẩm còn bất hợp lý là thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân dẫn đến đại đa số người dân có nhu cầu chưa thể tiếp cận nhà ở.

Trong khi đó, cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý: chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án. Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Chưa có nguồn vốn dài hạn cho thị trường bất động sản

lê quân

Bộ Xây dựng thừa nhận, tình trạng bán bất động sản “2 giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch nhằm trốn thuế trong kinh doanh bất động sản còn phổ biến. Các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, môi giới chưa được kiểm soát tốt.

Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong quý 3, doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Lối thoát nào cho thị trường bất động sản?

Về giải pháp, Bộ Xây dựng cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản để phát triển ổn định. Cụ thể là sớm thông qua luật Nhà ở sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp và lưu ý tới nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Đồng thời, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.

Hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất.

Kiểm soát tốt hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá... Song song tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản triển khai hoàn thành dự án dở dang, tạo nguồn cung.

Nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất để tạo điều kiện cho các dự án bất động sản triển khai thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo Bộ Xây dựng, để vực dậy thị trường bất động sản rất cần sự chung sức của các bộ, ngành, địa phương

lê quân

Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị chỉ đạo, tổ chức giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường.

Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.

Có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.