Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tán thành với tư duy tích hợp các quy hoạch trong một quy hoạch chung của dự luật. Tuy nhiên, theo ông Hà, “ý tứ thì tốt” nhưng trong dự thảo không làm rõ một số vấn đề. “Cụ thể cách tích hợp như thế nào? Thời hạn tích hợp mất bao lâu? Tính khả thi trên thực tiễn đối với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay?”, Bộ trưởng Hà nói và cho rằng quy hoạch xây dựng có tính đặc thù cao nên việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là cực kỳ khó khăn và việc xử lý trên thực tiễn sẽ mất 7 - 8 năm. Ông Hà cũng cảnh báo cách thể hiện quy hoạch xây dựng như dự thảo có thể dẫn đến nhiều xáo trộn. Dự luật cũng sẽ bãi bỏ và điều chỉnh một số lượng lớn quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, dẫn đến sự lúng túng mất rất nhiều nguồn lực và thời gian, tác động tiêu cực nhiều hệ lụy với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra dự luật cho biết “rất buồn” vì cách làm luật liên tục có những ý kiến không thống nhất từ Chính phủ sẽ khiến cơ quan thẩm tra rất khó khăn. Ủng hộ phương án tích hợp, ông Thanh cho rằng cách làm hiện nay là “ngành nào cũng quan trọng dẫn đến chồng chéo, không đồng bộ”. Dẫn chứng khu triển lãm Giảng Võ trước đây quy mô dân số thấp, hạ tầng bình thường nhưng giờ cho xây dựng chung cư hàng chục tầng, với số lượng dân cư lớn, trong khi hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông không đảm bảo đồng bộ. Do vậy, quy hoạch cần có tính định hướng, tổng thể để dẫn dắt.
Đề nghị Chính phủ rút luật về làm lại
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, kiến nghị của Bộ trưởng Xây dựng là “không đúng tinh thần” cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 14.3.2017 mà ông Kiên có tham dự. Theo ông Kiên, đến thời điểm này, nếu Chính phủ vẫn còn nhiều tranh cãi thì chỉ còn hai cách giải quyết. Một là đề nghị Chính phủ rút luật về thảo luận thật kỹ, thống nhất cao thì trình lại. Nếu không thì thực hiện theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. “Cơ quan thẩm tra sẽ báo cáo cả hai luồng ý kiến khác nhau để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), sau đó trình QH”, ông Kiên nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, dự luật này sẽ tạo thay đổi lớn, là “một cuộc cách mạng”, giải quyết tất cả các bất cập của đất nước, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững; đồng thời triệt tiêu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích các bộ ngành địa phương đang bị cát cứ, chia rẽ. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh kể cả xáo trộn, kể cả phải sửa nhiều luật, nhưng luật Quy hoạch rõ ràng tốt hơn thì vẫn phải làm, không nên lùi và không thể lùi.
Chốt lại phiên họp, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban TVQH nhận thấy hiện vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ chưa có sự thống nhất cao. Ủy ban TVQH giao Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các cơ quan chuyên môn chuẩn bị các nội dung để báo cáo tại hội nghị đại biểu chuyên trách sắp tới.
Bình luận (0)