Bộ Xây dựng vẫn lạc quan về thị trường bất động sản

08/05/2020 12:53 GMT+7

Trong Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2020, Bộ Xây dựng cho rằng, đánh giá các yếu tố vĩ mô và chỉ số cụ thể của thị trường thì bất động sản chưa có biểu hiện khủng hoảng trầm lắng hay phát triển nóng.

Dư nợ bất động sản vẫn tăng nhưng tốc độ chậm dần

Về tình hình cấp tín dụng cho bất động sản, theo Bộ Xây dựng, tính đến hết 2019, dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 522.000 tỉ đồng (tăng 12,82% so với năm 2018).
Tính đến tháng 2, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 531.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm (năm 2018 tăng 6%, năm 2019 chỉ tăng 4%, quý 1/2020 tăng 1,76%). Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3%.
Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng trong bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019. 
Theo Bộ Xây dựng, 3 tháng đầu năm, nguồn vốn FDI vào bất động sản giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

200 sàn giao dịch bất động sản hoạt động cầm chừng

Về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp (còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ).
Tại một số dự án đang triển khai xây dựng hầu như chưa khởi động lại hoặc phải tạm dừng hoạt động, gần như toàn bộ công nhân, lao động phải tạm nghỉ.

80% số lượng sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa trong quý 1

Ảnh Lê Quân

Về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp. Cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng. 
Tính đến thời điểm tháng 4, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
“Tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Có thể nói, về tổng thể, dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, đến nay thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường”, Bộ Xây dựng nhận định.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng công bố dựa trên thông tin của 34/63 tỉnh, thành phố, nguồn cung bất động sản giảm mạnh, đặc biệt là ở những đô thị lớn như TP.HCM, Đà Nẵng
Chỉ riêng Hà Nội trong quý 1 có nguồn cung bất động sản tăng. Nhưng về lâu dài, xu hướng giảm nguồn cung trên phạm vi cả nước chắc chắn xảy ra.
Lượng giao dịch thành công trong quý 1/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Xây dựng nhìn nhận, dù ảnh hưởng của chính sách siết tín dụng bất động sản, dịch bệnh Covid-19 nhưng giá bán bất động sản vẫn tăng so với quý 4/2019 và cùng kỳ năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.