Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15.2, áp dụng với học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2024-2025. Theo đó, quy chế này đã bỏ điều khoản về xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình. Như vậy, học sinh nhận bằng tốt nghiệp THCS sẽ không còn thông tin về xếp loại như trước đây. Với những thay đổi này, nhiều phụ huynh học sinh quan tâm, liệu có ảnh hưởng gì đến thi lớp 10 của học sinh lớp 9?
Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS là hợp lý
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho hay việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS là hợp lý vì hiện nay đang thực hiện phổ cập THCS.
Cũng theo ông Khoa, việc không xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng đến thi lớp 10 vì theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.
Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6, TP.HCM), đồng tình khi Bộ bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS. Theo ông Cường, điều này nhằm tránh áp lực điểm số cho học sinh và nhà trường. Ông Cường nói rằng, thật sự việc xếp loại cũng không ảnh hưởng đến học sinh vì bằng tốt nghiệp THCS cũng chỉ là hình thức công nhận các em hoàn thành bậc học mà thôi.
Thêm vào đó, ông Cường cho rằng việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS chắc chắn là không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh lớp 10 hiện nay vì TP.HCM thực hiện tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển nhằm đánh giá năng lực thực tế của thí sinh.
Tương tự ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói rằng hoàn thành chương trình bậc học, các trường thực hiện việc xét tốt nghiệp cho học sinh chứ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THCS cho nên việc không xếp loại tốt nghiệp là phù hợp.
Còn một chuyên gia về khảo thí bậc phổ thông khẳng định, việc bỏ xếp loại tốt nghiệp là phù hợp với luật Giáo dục cũng như thông lệ quốc tế. Điều 12 của luật Giáo dục chỉ rõ: "Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT…". Như vậy, bằng tốt nghiệp được cấp sau khi tốt nghiệp hoặc sau khi hoàn thành chương trình và trong luật không đề cập đến xếp loại.
Còn về góc độ chương trình giáo dục, vị chuyên gia về khảo thí trên so sánh, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là phát triển toàn diện, học sinh phải học hết tất cả các môn nên đánh giá, xếp loại tốt nghiệp là phù hợp. Nhưng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu là phát triển năng lực và phẩm chất nên việc bỏ xếp loại là hợp lý.
Không ảnh hưởng gì đến thi lớp 10
Đồng thời, chuyên gia này cũng khẳng định việc bãi bỏ xếp loại tốt nghiệp không ảnh hưởng đến kỳ thi lớp 10 đối với học sinh lớp 9 năm nay, tức lứa học sinh cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hay với những học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì việc tuyển sinh lớp đầu cấp THPT là một kỳ thi dành cho học sinh hoàn thành bậc THCS.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho hay tốt nghiệp THCS chỉ là hình thức công nhận học sinh hoàn thành bậc học và dù xếp loại trung bình, khá, hay giỏi cũng không cộng điểm khuyến khích vào tuyển sinh lớp 10. Chính vì vậy không còn nội dung xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS sẽ không ảnh hưởng gì đến thi lớp 10.
Bằng tốt nghiệp THPT cũng không còn xếp loại
Đối với bậc THPT, căn cứ điều 7 Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT về nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ và phụ lục văn bằng, trên bằng tốt nghiệp THPT chỉ có nội dung công nhận đã tốt nghiệp, không xếp loại theo các thứ hạng giỏi, khá, trung bình.
Đồng thời, từ năm 2022, bằng tốt nghiệp THPT không còn mục hình thức đào tạo và giảng dạy nêu rõ học sinh tốt nghiệp hệ THPT, hệ bổ túc hoặc hệ vừa học vừa làm.
Bình luận (0)