Bỏ xét tuyển sớm có tác động các kỳ thi riêng?

10/01/2025 06:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT dự kiến không còn khái niệm xét tuyển sớm trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Điều này sẽ tác động ra sao đến việc phân bổ chỉ tiêu và cách xét tuyển từng phương thức, đặc biệt là các kỳ thi riêng?

NHIỀU Ý KIẾN ĐỀ XUẤT BỎ XÉT TUYỂN SỚM

Đến nay, dù dự thảo quy chế tuyển sinh vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng quy định về xét tuyển sớm đã có những định hướng rõ rệt từ phía Bộ GD-ĐT. Điều chỉnh này được đặc biệt chú ý bởi xét tuyển sớm không chỉ tác động đến kế hoạch tuyển sinh của các trường mà cả với thí sinh (TS) trong đăng ký nguyện vọng.

Năm 2023, hơn 200 trong 322 trường ĐH cả nước thực hiện xét tuyển sớm. Số TS trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt các phương thức trong giai đoạn xét tuyển sớm làm nguyện vọng 1, tương đương gần 40%. Đây là các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, bên cạnh mặt tích cực thì xét tuyển sớm trong một số trường hợp dẫn đến sự mất công bằng giữa các thí sinh khi xét tuyển ĐH.

Bỏ xét tuyển sớm có tác động các kỳ thi riêng?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Do vậy, năm nay theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Dự thảo nêu cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những TS có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Trường bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh đề xuất bỏ xét tuyển sớm khi hệ thống tuyển sinh đã quá ưu việt, dù xét tuyển sớm hay xét tuyển chung TS vẫn đặt toàn bộ nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

PGS-TS NGUYỄN THU THỦY Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)

Tuy nhiên, sau một thời gian lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT dự kiến có thay đổi so với dự thảo về xét tuyển sớm. Chia sẻ trong tọa đàm Công tác hướng nghiệp và tuyển sinh ĐH năm 2025, do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức sáng 5.1, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết dự kiến năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm. Lý giải về dự kiến điều chỉnh này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay: "Nhiều chuyên gia tuyển sinh đề xuất bỏ xét tuyển sớm khi hệ thống tuyển sinh đã quá ưu việt, dù xét tuyển sớm hay xét tuyển chung TS vẫn đặt toàn bộ nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung''.

Do đó, theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Ban soạn thảo đệ trình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT là bỏ khái niệm xét tuyển sớm. Khái niệm này để chỉ về mặt thời gian nhận hồ sơ xét tuyển sớm, còn giai đoạn xét tuyển chung có thể áp dụng tất cả các phương thức tuyển sinh đảm bảo quyền lợi của TS. Thậm chí, không xét tuyển sớm còn đảm bảo hơn quyền lợi của những TS không đủ điều kiện tham gia các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU TỪNG PHƯƠNG THỨC

Một vấn đề được nhiều TS quan tâm là khi các phương thức xét tuyển được thực hiện đồng thời, thì các trường ĐH có xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức? Nhiều người lưu ý điều này bởi bên cạnh số lượng TS đăng ký thì chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ quan trọng để xác định mức độ cạnh tranh giữa các TS và điểm chuẩn đầu vào theo từng phương thức.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: "Trường hợp bỏ xét tuyển sớm, việc xét tuyển từ kỳ thi riêng không thay đổi về mặt bản chất". Lý giải nhận định này, thạc sĩ Quốc phân tích: "Mọi năm, sau khi tham gia xét tuyển sớm, TS đủ điều kiện trúng tuyển phương thức sử dụng điểm kỳ thi riêng sẽ có tâm lý an tâm trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng sau đó, TS vẫn thực hiện việc đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung để lựa chọn giữa các phương thức. Nay, nếu bỏ xét tuyển sớm, TS vẫn lựa chọn giữa các phương thức - trong đó có điểm kỳ thi riêng, để đặt nguyện vọng như bình thường".

Vì vậy, theo thạc sĩ Quốc, dù TS đăng ký nguyện vọng đồng thời các phương thức, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng phương thức vẫn cần thiết. "Các trường khi xác định chỉ tiêu từng phương thức hướng đến 2 mục tiêu: đảm bảo sự công bằng cho TS khi tham gia xét tuyển ở mỗi phương thức và nhằm tuyển lựa nhóm TS nhất định cho mỗi phương thức. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ cần thiết trong việc lựa chọn TS, xác định điểm trúng tuyển của từng phương thức dù có quy về một thang điểm chung như dự thảo quy chế tuyển sinh".

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức vẫn được thực hiện để làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, như cách làm các năm trước thì chỉ tiêu tuyển sinh ban đầu là mức dự kiến. Sau đó, căn cứ vào thực tế TS đăng ký xét tuyển các trường điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp và việc này có thể thực hiện linh hoạt trong quá trình xét tuyển.

Bỏ xét tuyển sớm có tác động các kỳ thi riêng?- Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2024

ảnh: ngọc dương

KẾ HOẠCH TUYỂN SINH RIÊNG CỦA CÁC TRƯỜNG

Đại diện các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi riêng xét tuyển cho biết vẫn dành chỉ tiêu nhất định cho phương thức này năm nay.

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trong 5 phương thức tuyển sinh dự kiến có 1 phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực Quốc gia TP.HCM (riêng phân hiệu Vĩnh Long xét thêm điểm kỳ thi V-SAT). Trường dự kiến vẫn xác định chỉ tiêu theo từng phương thức, trong đó phương thức xét điểm kỳ thi riêng này dự kiến tăng lên mức 20% tổng chỉ tiêu các ngành. Theo đó, năm nay trường xét tuyển theo điểm đánh giá năng lực kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Cụ thể, điểm kỳ thi đánh giá năng lực chiếm 70% trong số điểm và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chiếm tỷ lệ 30% còn lại.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trường vẫn dự kiến dành khoảng 30 - 40% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025. Theo tiến sĩ Hạ, nếu không còn xét tuyển sớm, việc xét tuyển kết quả kỳ thi riêng cũng không thay đổi về bản chất so với có xét tuyển sớm. Bởi dù cách nào, cuối cùng TS vẫn lựa chọn để chỉ trúng tuyển vào một ngành của một trường bằng một phương thức.

"Sự khác biệt giữa TS có và không tham dự kỳ thi riêng để xét tuyển là TS tham gia kỳ thi riêng sẽ tăng thêm cơ hội để xét tuyển vào ngành mình mong muốn mà TS khác không có được", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nhận định.

Về phía các trường ĐH, tiến sĩ Hạ cho biết các trường sẽ có những tính toán, cân nhắc trong xác định điểm chuẩn để tuyển được người có năng lực tương đương từ các phương thức khác nhau vào cùng một ngành.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến chỉ dành khoảng 15% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, tương đương 1.000 - 1.500 TS. Một số trường ĐH khác năm nay dự kiến tổ chức kỳ thi V-SAT để phục vụ xét tuyển đầu vào như: Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Mở TP.HCM. Trường ĐH Luật TP.HCM cũng lần đầu tiên sử dụng điểm kỳ thi V-SAT để tuyển sinh. Nhiều trường ĐH khác cũng dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi riêng do trường ĐH tổ chức để xét tuyển năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.