Bộ Y tế khuyến cáo về xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2

04/10/2021 19:40 GMT+7

Theo Bộ Y tế, xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Kháng thể được sinh ra sau tiêm vắc xin hoặc nhiễm virus gây bệnh

TƯ LIỆU VIỆN VỆ SINH DỊCH TỄ TƯ

Kháng thể không đánh giá được đang nhiễm virus

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur các khu vực và giám đốc sở y tế các tỉnh, thành về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.

Covid-19 sáng 5.10: Cả nước 813.961​​ ca nhiễm, 721.480 ca khỏi | Bộ Y tế khuyến cáo về xét nghiệm kháng thể

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nhiều phương thức xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện các trường hợp mắc Covid-19.

Tuy nhiên, trong thời gian qua đã ghi nhận một số người dân và đơn vị triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covd-19 để định lượng kháng thể.

Bộ Y tế lưu ý, hiện Tổ chức Y tế thế giới chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19. Xét nghiệm này chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn sở y tế các tỉnh, thành tiếp tục lựa chọn kết hợp các phương pháp xét nghiệm phù hợp, ưu tiên tập trung vào công tác phát hiện sớm ca mắc Covid-19 và triển khai phòng, chống dịch kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

Bản tin Covid-19 ngày 4.10: Dịch bệnh tại TP.HCM giảm nhiệt | Dòng người vẫn về quê trong khó nhọc

Chống lại tác nhân gây bệnh nhưng có thể không bền vững

Theo các chuyên gia, kháng thể do hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi nhiễm virus gây bệnh. Kháng thể sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus đó trong tương lai. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể có thể giảm dần sau tiêm vắc xin.

Với người chưa tiêm vắc xin, xét nghiệm kháng thể đặc hiệu, đánh giá người đó đã từng nhiễm bệnh. Kháng thể có thể tồn tại lâu dài hoặc giảm dần, tùy mỗi bệnh mà người đó mắc phải.

Với Covid-19, việc tồn tại của kháng thể ở người sau mắc Covid-19 vẫn đang được nghiên cứu đánh giá. Hiện, Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn có thể trì hoãn tiêm vắc xin trong 6 tháng với người mắc Covid-19 bình phục, nhưng vẫn cần được tiêm sau đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.