Trong thời gian qua, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới, mới nhất là biến thể JN.1. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron. Số mắc Covid-19 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là ở các quốc gia đang vào mùa đông, có thể làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện.
Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của vi rút, mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng liên quan hoặc hiệu quả của vắc xin, thuốc điều trị, chẩn đoán, các biện pháp xã hội, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Biến thể JN.1 mới gây bệnh Covid-19 nguy hiểm ra sao?
Tại VN, Cục Y tế dự phòng đánh giá Covid-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp.
Hiện chương trình tiêm chủng quốc gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) đang bảo quản hơn 432.000 liều vắc xin Covid-19 Pfizer có hạn dùng đến tháng 9.2024. Vắc xin này được dự phòng sử dụng cho các địa phương có ổ dịch và nhóm người có nguy cơ cao (người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già...). Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo nhu cầu vắc xin trong năm 2024 để có kế hoạch cung ứng; việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 được cập nhật hướng dẫn tiêm chủng cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của WHO.
Bình luận (0)