Bộ Y tế xin đừng chần chừ!

11/10/2021 13:14 GMT+7

Nếu còn chậm trễ ban hành các chính sách hướng dẫn, quy định cụ thể về mua sắm, bình ổn giá sinh phẩm xét nghiệm ; chi phí xét nghiệm Covid-19… sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt khi dịch Covid-19 chưa biết khi nào chấm dứt.

Loạn giá kit test, chi phí xét nghiệm là vấn đề gây bức xúc dư luận vừa qua. Mỗi nơi một giá, một kiểu; thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng khiến các địa phương vốn có tâm lý lo ngại về việc mua sắm các sinh phẩm xét nghiệm, nay lại càng e ngại hơn.

Ở thời điểm hiện tại, phía các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng đưa ra quy định, hướng dẫn cụ thể. Bộ Tài chính thì khẳng định bình ổn giá test xét nghiệm là trách nhiệm của Bộ Y tế (cơ quan quản lý chuyên ngành giá trong lĩnh vực y tế). Bộ Y tế thì cho biết đang lấy ý kiến thông tư hướng dẫn chi phí xét nghiệm; công tác thanh, kiểm tra cũng chưa cho ra kết quả.

Trước đó, theo Bộ Y tế, cơ quan này đã cấp phép cho 97 loại kit test Covid-19 các loại, trong đó riêng kit test nhanh giá công bố từ 78.000 - 200.000 đồng/kit test, giá trúng thầu phổ biến tại bệnh viện, địa phương khoảng 135.000 đồng/kit test. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) khẳng định có thể nhập giá thấp hơn.

Giá kit test đương nhiên khác nhau tùy theo chủng loại, xuất xứ, chất lượng và thời điểm, kể cả các chi phí trung gian. Hiện Bộ Y tế có công khai chủng loại, giá các loại kit test được cấp phép, tuy nhiên, việc mua như thế nào, quy trình cụ thể ra sao để hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất cho ngân sách lại chưa có hướng dẫn.

Mỗi nhà thuốc ở TP.HCM bán kit test nhanh Covid-19 mỗi giá khác nhau

ngọc dương

Vậy Bộ Y tế nên và sẽ tiếp tục phải làm gì?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, về giá các loại test R-PCR và test kháng nguyên, Bộ Y tế cần thông báo rộng rãi trên cổng thông tin của Bộ để yêu cầu toàn bộ các nhà cung cấp các sản phẩm này trên thế giới (bao gồm cả hãng được cấp phép vào Việt Nam và các hãng chưa được cấp phép đưa sản phẩm vào Việt Nam) thông báo cụ thể về: năng lực DN; sản phẩm test Covid mà DN có về tiêu chí kỹ thuật, nước sản xuất và các chứng nhận quốc tế; năng lực sản xuất và cung ứng sản phẩm theo thời gian; điều kiện giao hàng, thanh toán, bảo quản…

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế tổng hợp thông tin và kết nối các cơ quan chức năng để từ đó đưa ra thông báo công khai về giá các sản phẩm ở mức thấp nhất trong các nhóm tương ứng về chất lượng sản phẩm, nước sản xuất,… và mỗi 3 tháng/lần lại cập nhật các thông tin mới về giá.

Về số lượng các loại test cần chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau trong trạng thái bình thường mới, Bộ cần tổng hợp gấp kế hoạch từ các địa phương và các báo cáo T.Ư về nhu cầu test kháng nguyên và PCR, từ đó xây dựng kế hoạch cho toàn quốc và đề xuất giải pháp tối ưu cho việc mua sắm này.

Đối với các hướng dẫn cụ thể các địa phương mua sắm, Bộ có thể giao cho một đơn vị của Bộ đấu thầu các sản phẩm. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể áp dụng kết quả đấu thầu này để mua sắm. Các địa phương cũng có thể căn cứ trên bảng giá công khai của Bộ và các thông số kỹ thuật, các điều kiện đi kèm, chủ động bàn bạc với các nhà cung cấp để lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch.

Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, việc xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp, đáp ứng kịp thời yêu cầu về thiết bị, vật tư y tế là rất cần thiết. Chậm 1 phút sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng sinh mạng.

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.