Cách quản lý dẫn đến vỡ trận trường công
Phụ huynh của 939 em tham dự bốc thăm tìm suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) chắc đã có những ngày thấp thỏm, những phút giây thót tim may rủi. Dù nhà trường đã nỗ lực hết sức nhưng chỉ có 459 cháu được nhận vào trường.
Với một phường có số dân lên tới hơn 120.000 người, việc bảo đảm cho tất cả các cháu có nguyện vọng vào trường công là bất khả thi. Hơn 80 chung cư được "nhồi" vào địa bàn một phường vẻn vẹn 4,85 km2, quá trình đô thị hoá chóng mặt đã lấy đi cơ hội hoàn thiện cơ sở hạ tầng tương thích với việc tăng dân số.
Phụ huynh phải mốc thăm may mắn để con có chỗ học mầm non ở Hà Nội |
Đậu tiến đạt |
Quy hoạch bị phá vỡ, đất đẹp được ưu tiên cho nhà ở bán lấy tiền, trường học bị đẩy vào quy hoạch ở khu vực nghĩa trang, đất đầu thừa đuôi thẹo rất khó triển khai, thậm chí không thể triển khai. Chưa kể không chủ đầu tư nào mặn mà với việc xây dựng các hạ tầng tiện ích mà chỉ nhăm nhăm xây nhà bán lấy tiền. Cách quản lý ấy dẫn đến vỡ trận trường công là tất yếu.
Lỗi không thuộc về ngành giáo dục, khi năm học này số lượng giáo viên quá thiếu. Bậc học mầm non mấy năm trước mới được đưa số giáo viên trở lại thành viên chức. Trong bối cảnh tinh giản biên chế 10%, số giáo viên được giao tăng thêm cũng không thể bù lấp số bị giảm. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt thấp do số phòng học cũng chỉ có giới hạn.
Chủ trương nhiều địa phương khuyến khích trường công thuê giáo viên để mở rộng quy mô không khả thi vì học phí và cơ chế quản lý giáo viên quá khó hoà lẫn trong biên chế và hợp đồng trong cùng một khuôn viên trường học. Thế nên, nhiều trường chọn giải pháp an toàn là ưu tiên cho trẻ 5 tuổi để đạt chuẩn. Còn trẻ em bé hơn, nhất là 2 - 3 tuổi, phần lớn phó mặc cho gì đình các em hoặc là các nhóm trẻ tư nhân nhỏ lẻ.
Mắt xích yếu nhất của nền giáo dục
Với các gia đình có điều kiện, việc chọn trường chất lượng cho con ngay từ bậc mầm non là chuyện đương nhiên. Nhưng với những người thu nhập thấp, lá phiếu bốc thăm vào trường công là một lối thoát hạnh phúc. Trẻ được học trường công có khuôn viên rộng rãi hơn, môi trường học tập bảo đảm với chi phí thấp.
Trong khi đó, ở các nhóm trẻ nhỏ lẻ, việc quản lý khó khăn, giáo viên chưa đạt chuẩn, phòng ốc nhỏ hẹp, bí bức. Chưa kể tình trạng bạo hành trẻ, cô giáo chưa có kinh nghiệm và kỹ năng, sự biến động nhân sự do các cô có thể “nhảy việc” dễ dàng cũng ẩn chứa những rủi ro rất lớn.
TP.HCM có 3 phường dân cư trên 100.000 người, phần lớn tăng đột biến do người lao động từ các tỉnh, thành khác tìm đến làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn. Đất chật, người đông, trường mầm non công lập không thể là bảo đảm cho các gia đình trẻ từ xa đến lập nghiệp.
Dù có bố trí được ngân sách thì khó khăn về quỹ đất và biên chế cũng đủ níu chân thành phố năng động nhất nước trong quyết tâm huy động trẻ đến trường mầm non công lập. Trong khi đó, nhiều trung tâm tư thục muốn lên trường do đã đủ nhân lực và tài chính thì lại gặp khó vì phải chuyển mục đích sử dụng từ đất ở sang đất trường học. Không ai dại gì làm việc ngược đời bởi đất ở giá trị hơn nhiều đất xây trường.
Trường công lập có nơi còn thừa chỗ nhưng phụ huynh không mặn mà vì giờ giấc không linh hoạt, địa điểm xây trường nằm giữa khu công nghiệp nhưng lại xa khu dân cư, không tiện cho công nhân gửi gắm con quá giờ do lịch làm việc phải theo tiến độ công việc.
Chưa kể lương giáo viên mầm non quá thấp, áp lực soạn bài giảng, làm đồ dùng dạy học khiến giờ làm việc thực tế rất nhiều. Trong khi con công nhân được hưởng chính sách hỗ trợ 160.000 đồng/tháng theo chủ trương hỗ trợ của nhà nước thì chính con các cô giáo lại không được hưởng sự ưu ái này. Những lý do đó đã thúc đẩy nhiều giáo viên yêu trẻ dứt áo ra đi tìm con đường khác!
Một năm học mới đã lại bắt đầu. Cấp học mầm non với những đứa trẻ lần đầu đến lớp, những bậc phụ huynh khấp khởi, lo lắng trao gửi con mình cho các cô giáo với hy vọng tương lai tốt đẹp.
Ưu tư về những lá thăm may rủi, những thiếu trước hụt sau về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cả tâm lý coi nhẹ bậc học này có khiến giáo dục mầm non mãi là mắt xích yếu nhất của nền giáo dục?
Sẽ không thể có câu trả lời thoả đáng nếu coi đây là “chuyện riêng” của ngành giáo dục, phó mặc việc nuôi dạy trẻ trong những vướng mắc của cơ chế lâu nay!
Bình luận (0)