Bốc thăm vô trường mầm non: Giáo dục cũng dựa vào trò may rủi?

30/08/2022 16:45 GMT+7

“Mỗi đứa trẻ đều có quyền được đến trường, được tiếp cận giáo dục , trường học là để phục vụ học sinh chứ không phải để bố thí mà bốc thăm”.

Đó là ý kiến của một chuyên gia giáo dục nhân sự việc ngày 27.8 mới đây, UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã tổ chức cho phụ huynh bốc thăm giành suất học cho trẻ 3 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt, cơ sở Tứ Kỳ. Lý do là vì số hồ sơ đăng ký cao hơn nhiều so chỉ tiêu.

Nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM: Bốc thăm may rủi gây ấn tượng không hay cho trẻ!

Theo đó, có 176 cha mẹ học sinh đến bốc thăm trên tổng số 182 trẻ đã đăng ký hồ sơ và chỉ có 80 người giành được suất học trường công lập này cho con.

Trường học chứ không phải hội chợ mà bốc thăm?

Nhìn nhận về tình huống “có một không hai” trên, ông Hồ Thanh Bình, Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Nhà nước luôn coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quôc sách hàng đầu. Chính vì vậy, nhà nước luôn có các chính sách phổ cập giáo dục, với mục tiêu ai cũng được học. Mọi nỗ lực của cả xã hội là để trẻ được tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất, công bằng nhất. Việc bốc thăm này không những đi ngược lại với các chính sách của nhà nước, vi phạm quyền lợi, lợi ích của trẻ mà còn thể hiện tư tưởng ban phát, bố thí, thiếu tôn trọng trẻ và phụ huynh. Trường học là để phục vụ học sinh chứ không phải là hội chợ để chơi trò may rủi”.

Một phụ huynh bốc phải lá thăm không trúng tuyển

Đ.t.đ

Theo ông Bình, dù quá tải cũng cần đưa ra cách làm khác phù hợp, cân nhắc đến các đối tượng khác nhau để chọn chứ không phải bốc thăm. Các đối tượng được chọn có thể theo quy định ưu tiên của nhà nước, ví dụ như trẻ nào yếu hơn, gia đình điều kiện khó khăn hơn…

“Việc đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Vẫn còn cách làm khác hợp lý hơn là trường có thể ra thông báo đến từng phụ huynh về việc nhận hồ sơ trong một khoảng thời gian nào đó, cho đến khi nhận đủ chỉ tiêu thì đóng lại”, ông Bình chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM, cho rằng thực ra hình thức bốc thăm hay quay sổ xố giành suất học hoàn toàn không phải là cái gì đó dị biệt hay bất thường, đây cũng là hình thức được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho trường hợp nhu cầu dự tuyển vào một trường vượt quá số chỗ trong trường đó.

“Mặc dù cũng có những nhược điểm nhất định, nhưng hình thức bốc thăm này được cho là nhằm đảm bảo tính công bằng và đa dạng trong tuyển sinh. Những ai muốn vào trường đều có cơ hội ngang nhau (được quyết định bởi may rủi), dù giàu hay nghèo, giới trí thức hay dân lao động… Các trường áp dụng hình thức này thường là trường tốt”.

“Vấn đề là vì sao mà nền giáo dục của ta lại thiếu trường tốt, trường sạch đẹp… đến thế, đến mức phụ huynh phải chen nhau đạp đổ cổng trường, phải khóc cười khi bốc thăm, thì phải đặt câu hỏi cho các nhà hoạch định giáo dục. Bốc thăm chỉ là giải pháp riêng lẻ của một trường.

Còn quá tải thì là vấn đề mà các nhà hoạch định giáo dục phải chịu trách nhiệm. Điều này còn liên quan đến quy hoạch đất giáo dục, đến việc đào tạo và phát triển giáo viên. Trong khi thưc tế, quỹ đất làm giáo dục thì khan hiếm, giáo viên thì bỏ nghề…”, bà Uyên Phương trăn trở.

Phụ huynh cũng cần thay đổi tâm lý?

Bà Đ.N.H, nguyên hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết mỗi năm tại các quận, phường đều có điều tra số lượng trẻ cho năm học sau để xem xét các trường có đáp ứng đủ hay không.

“Nếu phường này đông trẻ mà trường mầm non ít trong khi phường khác ít trẻ hơn mà trường nhiều, thì mình sẽ tham mưu lên quận để các phường cũng chia sẻ trường lớp với nhau. Công tác tuyển sinh phụ thuộc vào chỉ đạo của quận, lúc đó quận sẽ cân nhắc và phân bổ sao cho hợp lý. Tuy nhiên các trường cũng phải làm việc với phụ huynh để phụ huynh sẵn sàng cho con sang phường khác học, có thể hơi xa nhà một chút nhưng các trường đều chất lượng như nhau, trẻ đều được chăm sóc đầy đủ”, Bà Đ.N.H chia sẻ.

Theo bà H., về phía phụ huynh cũng không nên nghe tiếng của một trường nào đó mà đổ xô vào, gây quá tải dẫn đến khó khăn trong việc tuyển sinh cho trường.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng một phần do tâm lý phụ huynh muốn cho con mình vào học trường mầm non được xã hội đánh giá là tốt, nên nhất định phải nộp hồ sơ vào, dẫn đến quá tải. Tuy nhiên nếu một phường đông dân mà chỉ có duy nhất một trường mầm non công lập khiến tình trạng trẻ thiếu chỗ học nghiêm trọng thì trách nhiệm thuộc về địa phương, theo tiến sĩ Phan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.