Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo.
Đây là dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập trong luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.
Dự thảo quy định chậm nhất là ngày 30.1 hàng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm và xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh.
Số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát. Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên được thực hiện bằng hình thức bốc thăm (hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên).
“Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch. Trong đó, có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị”, dự thảo Nghị định nêu.
Việc quy định tỷ lệ 20% cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm trong 1 nhiệm kỳ bổ nhiệm, bất cứ cán bộ nào thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đều có khả năng được xác minh ngẫu nhiên. Tuy vậy, một số ngành, lĩnh vực có số lượng cơ quan, đơn vị trực thuộc quá lớn thì việc xác minh 20% số cơ quan, đơn vị trực thuộc sẽ có khó khăn, do đó một số bộ, ngành đã quy định chỉ xác minh tối thiểu 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng và được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định, ngoài việc xác minh ngẫu nhiên hàng năm, việc xác minh còn được tiến hành trong nhiều trường hợp khác như: có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của luật Tố cáo; có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.
Ngoài ra, một số trường hợp sẽ không lựa chọn để xác minh như những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử, đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên…
Bình luận (0)