Thâm nhập tổ hợp tái chế dầu nhớt ở Đồng Nai kỳ 1: Người dân kêu cứu
Cuối tháng 3.2023, Báo Thanh Niên nhận được đơn kêu cứu của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động nấu tái chế dầu nhớt thải lậu (TCDNTL) của 3 cơ sở ở đường Sông Mây 4 (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, Đồng Nai). Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, con đường dân sinh này bị cày nát bởi hàng chục xe bồn ngày đêm ra vào.
Vào cuộc điều tra, PV Thanh Niên ghi nhận các cơ sở TCDNTL nói trên mỗi ngày xuất xưởng hàng chục ngàn lít dầu thành phẩm được đưa đi tiêu thụ ở Đồng Nai, TP.HCM và một số tỉnh miền Tây.
Xem nhanh 20h ngày 6.6: ‘Đột kích’ lò nấu dầu nhớt thải lậu | Mánh khóe 'thổi bay' trăm tỉ ở Cienco 1
Cảnh giới phủ kín
Theo ghi nhận của chúng tôi, cả 3 cơ sở TCDNTL này nằm ở cuối đường Sông Mây 4, khu vực thưa thớt nhà dân, được bao phủ bởi những cánh rừng tràm.
Đến con đường Sông Mây 4 vào những ngày đầu tháng 5, dưới cái nắng như thiêu đốt buổi trưa và những cơn mưa tầm tã khi về chiều, cuối con đường dần lộ ra "đại bản doanh" TCDNTL. Cả ngày đêm, hàng chục ống khói từ các lò nấu dầu cao hơn 10 m liên tục nhả khói đen nghi ngút làm cho khu vực nơi đây luôn trong tình trạng ám khói, hôi hám và sặc mùi dầu nhớt.
Đường Sông Mây 4 (giao với tỉnh lộ 767) là con đường dân sinh, khá hẹp, dài khoảng 2 km. Bề mặt đường được trải đất đá tạm bợ để người dân đi lại làm rẫy. Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, con đường dân sinh này mỗi ngày "cõng" hàng chục xe tải chở thùng phuy sắt và xe bồn mang biển kiểm soát của nhiều tỉnh thành ngày đêm ra vào. Mặt đường bị bánh xe tải, xe bồn cày lên, ngày nắng bụi bay mịt mù, ngày mưa thì đọng lại những vũng nước lớn, trơn trượt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Cả ngày lẫn đêm, tại các ngã rẽ trên đường dẫn vào các cơ sở TCDNTL luôn có người cảnh giới, làm "vệ tinh". Ban đêm, khi thấy người lạ hoặc phương tiện lạ xuất hiện, nhóm người cảnh giới soi đèn pin, lập tức bám theo.
Khoảng 21 giờ ngày 11.5, xe chúng tôi vừa trờ tới đường Sông Mây 4, lập tức bị nhóm cảnh giới bám theo sát. Dù còn cách các lò nấu dầu khoảng 500 m nhưng mùi hôi khí đốt, mùi dầu nhớt xộc vào mũi cùng với đó là làn khói đen mịt mù. Dưới cơn mưa tầm tã, nhóm người này bám theo hơn 10 phút, đến chĩa thẳng đèn pin vào mặt từng người chúng tôi, tra hỏi đi đâu mà vào đây. Chúng tôi phải viện nhiều lý do để rút đi, tránh bị bại lộ.
Để lọt vào bên trong các cơ sở nấu dầu, phải vượt qua cổng làm bằng khung sắt bọc tôn cao hơn 2 m, rộng khoảng 5 m chắn giữa đường Sông Mây 4, ghi dòng chữ "Khu quân sự, cấm vào". Thực chất, nhóm nấu dầu lậu ngang nhiên tự chiếm đường, dựng lên cánh cổng này nhằm hạn chế người dân ra vào.
Qua quan sát, các cơ sở này nằm cách nhau khoảng 200 m. Tứ phía được vây kín bằng rào tôn cao khoảng 4 m, xung quanh có nhiều hào sâu, rộng và sườn dốc, đặc biệt cánh cổng luôn đóng kín. Chỉ khi xe bồn đến lấy dầu và xe tải vào cung cấp nhớt thải, hóa chất thì người bên trong cơ sở mới đi ra, nhìn qua lỗ hình vuông nhỏ bằng bàn tay của cánh cổng, để giao tiếp. Thấy đúng người thì họ mới mở cửa cổng cho vào, rồi đóng lại ngay. Bên trong xưởng nuôi nhiều chó nên rất khó tiếp cận.
Diện tích mỗi cơ sở trên 2.000 m2, bao gồm: khu vực chính là nơi đặt các lò nấu, chưng cất dầu thành phẩm; khu vực chứa dầu thành phẩm, lắp đặt nhiều bồn sắt chứa dầu (loại 30.000 lít), hàng trăm bồn nhựa (loại 1.000 lít) và hàng ngàn thùng phuy sắt (loại 200 lít); một bãi đất trống dành cho xe bồn, xe tải lên xuống hàng; cuối cùng là khu vực hồ xả thải, tất cả cặn bã, chất thải từ hoạt động nấu dầu được thải ra hồ này.
Cao điểm, khoảng 19 giờ mỗi ngày, xe bồn (dung tích chứa hàng chục ngàn lít/xe) lần lượt vào các cơ sở lấy dầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, riêng trong tháng 5, xe bồn biển số 60C-476.xx, 60C-522.xx, 60C-476.xx, 60R-049.xx, 51D-418.xx, 51D-113.xx, 51D-651.xx, 51D-614.xx, 50H-183.xx... liên tục đến các cơ sở nói trên lấy dầu. Đó chỉ là số ít những chuyến xe mua bán dầu nhớt thải mà PV ghi nhận được. Như vậy, số lượng dầu lậu thành phẩm tuồn ra thị trường có thể lên đến hàng trăm ngàn lít/ngày.
Theo ông Q. (41 tuổi, hộ dân sống trên tuyến đường Sông Mây 4, thuộc xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom), mùi hôi dầu và khói đốt từ các lò đốt xuất hiện từ khoảng 5 năm nay. Đã từ lâu, người lớn không dám cho trẻ nhỏ ra khỏi nhà, nông dân phải nép mình vào mép đường để nhường đường mỗi khi có xe bồn đi qua. Đáng nói, cách đây 2 - 3 năm, người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm, nhưng không hiểu sao các cơ sở này vẫn hoạt động và gây ô nhiễm (!?).
Giữa trưa nắng, dù ngột ngạt khó thở nhưng người dân đi làm rẫy phải mang nhiều lớp khẩu trang để giảm hít phải mùi dầu, khói độc.
Nhiều người dân ở đây bức xúc, mùi hôi từ khói dầu ảnh hưởng tới từng bữa cơm, giấc ngủ, đe dọa sức khỏe của họ. Một số hộ dân có điều kiện thì gia cố nhà cửa, số còn lại thì trồng thêm cây xanh để giảm ảnh hưởng từ mùi hôi và khói bụi mỗi lần xe bồn đi qua. Cả ngày đêm, họ đều thấy những chiếc xe bồn loại 10.000 - 30.000 lít mang biển kiểm soát của nhiều tỉnh, thành ra vào đường Sông Mây 4. "Những xe bồn chạy vào cơ sở nấu dầu thì tiếng pô xe nhỏ, lúc đi ra tiếng pô xe gầm rú lớn; có lúc gặp đường gập ghềnh thì tiếng pô kêu ầm ĩ", người dân nói.
Xem nhanh 12h ngày 5.6: Bản tin thời sự toàn cảnh
5 cơ sở hoạt động rầm rộ
Trong quá trình điều tra 3 cơ sở TCDNTL trên đường Sông Mây 4, bám theo xe tải chở thùng phuy và xe bồn, PV phát hiện thêm 2 cơ sở nấu dầu khác cũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, 1 cơ sở nấu dầu nằm trong lô cao su cạnh tỉnh lộ 767 (cũng trên địa bàn xã Bắc Sơn, cách 3 cơ sở ở Sông Mây 4 khoảng 5 km), 1 cơ sở còn lại nằm khuất sau lưng nghĩa trang Biên Hòa (P.Long Bình, TP.Biên Hòa).
Cụ thể, cơ sở nấu dầu nằm trong lô cao su được ngụy trang theo kiểu cơ sở khai thác mủ cao su, rộng khoảng 2.000 m2, xung quanh được quây bằng tôn cao 3 m, kín mít. Bên trong nuôi nhiều chó, có động tĩnh là sủa vang. Con đường đất dẫn vào cơ sở chằng chịt vệt bánh xe bồn, đọng lại những vũng nước. Theo một người dân sống lâu năm tại đây, khoảng 5 năm trước, một người đàn ông tên Hưng (ngụ TP.HCM) đến thuê đất giữa rừng cao su, rồi làm cơ sở nấu dầu nói trên. "Do cơ sở nằm sâu trong rừng cao su và suốt ngày đóng kín cửa nên chúng tôi không rõ bên trong sản xuất mặt hàng gì, nhưng thường thấy có xe bồn, xe tải chở nhiều thùng phuy sắt ra vào. Xung quanh cơ sở phát tán mùi dầu nhớt", người dân khu vực cho hay.
Sau nhiều ngày theo dõi từ xa, sáng 12.5 và 15 giờ ngày 17.5, PV tiếp cận cơ sở TCDNTL nói trên. Để không bị phát hiện, chúng tôi phải đi bộ khoảng 500 m, len lỏi từ khu rừng tràm nối liền qua lô cao su, tới được phía sau cơ sở.
Từ những lỗ thủng trên tấm tôn, chúng tôi ghi hình bên trong cơ sở nấu dầu chia 3 khu nối liền nhau theo hình chữ U, mỗi khu rộng khoảng 200 m2. Còn lại là khu đất trống và khu chứa hàng trăm can nhựa, phuy sắt loại 200 lít. Bên trong, hai thanh niên hì hục kéo ống, bơm hút dầu từ các bồn chứa (loại bồn hơn 10.000 lít).
Quy mô cũng không thua kém là cơ sở TCDNTL nằm biệt lập với khu dân cư, khuất sâu phía sau nghĩa trang Biên Hòa, đường Phan Đăng Lưu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa).
Từ đường tránh Võ Nguyên Giáp đi vào đường Phan Đăng Lưu, phía cuối nghĩa trang hiện ra một con đường đất nối thẳng vào cơ sở nấu dầu. Men theo con đường đất gần 1 km, tới đầu con suối nhỏ là thấy cơ sở này. Trên cổng cơ sở treo biển ghi dòng chữ: Chi nhánh DNTN Đ.T.K.Th (cơ sở sản xuất và thương mại dầu nhớt, mỡ bò). Nằm trên khu đất gần 1 ha, cơ sở này được xây dựng 3 khu riêng biệt và 2 căn nhà cấp 4 liền kề. Cả 3 khu được xây dựng bằng khung sắt tiền chế, tường rào tôn cao 3 m quây kín mít, mỗi khu rộng khoảng 500 m2.
Qua quan sát, dọc hai bên lối vào chất hàng ngàn thùng phuy sắt loại 200 lít, hơn 5 công nhân thay ca làm việc liên tục, ăn ngủ tại cơ sở. Xe bồn thường xuyên vào cơ sở này lấy dầu. Đứng cách cơ sở khoảng 300 m vẫn thấy cột khói bốc ra đen nghịt từ các ống xả của cơ sở.
Đáng chú ý, cơ sở này có một con suối chạy dọc khu nấu dầu. Lần theo con suối, chúng tôi phát hiện một cái hố tự đào, diện tích khoảng 4 m2 ; trên miệng hố có đào một cái rãnh nhỏ chảy thẳng ra suối. Hố nước này là nơi thải ra những cặn bã trong quá trình TCDNTL. Nước xả thải dưới hố đông đặc như bùn, đen sệt. Đây chính là nguyên nhân khiến con suối bốc mùi nồng nặc, màu nước đen ngòm và váng dầu nổi lênh láng.
Thời điểm PV có mặt, ghi nhận cơ sở xả thải ra suối. Ở cuối con suối (cách cơ sở khoảng 100 m) nơi tiếp giáp với một cống ngầm, màu nước con suối đen, bốc mùi dầu nồng nặc.
Đặc biệt, những ngày nắng nóng, nước xả thải của cơ sở TCDNTL này đổ ra nhiều, thoát không kịp nên đóng thành từng lớp dày đặc nổi lềnh bềnh trên mặt nước... (còn tiếp)
Bình luận (0)